Theo Luật này, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu thuyền, máy bay và các phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tàu CSB 8004 tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật. |
Cùng với lực lượng điều tra khác, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự, truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển hoặc bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam dành riêng Điều 17 quy định rõ việc thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển.
Cụ thể, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trong các trường hợp:
- Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển;
- Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam;
- Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi…
Phạm vi hoạt động của lực lượng này là trong vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp vì mục đích nhân đạo, hoà bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm thì được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam. Khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương 41 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
Diệu Thúy
Ảnh: Vũ Lụa