Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về biển đảo
Từ năm 2017, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xây dựng và triển khai mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.
Để tăng cường việc quan tâm, sát cánh với ngư dân, các địa phương ven biển, 2 năm qua, các hoạt động từ mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã được triển khai rộng khắp ở nhiều địa phương như: Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và TPHCM.
Sau hơn 2 năm thực hiện, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang; chỉ đạo các đơn vị tổ chức ký kết phối hợp hoạt động, triển khai thực hiện mô hình tại 13 xã, huyện đảo trên 11 tỉnh, thành phố ven biển.
Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển vận chuyển quà lên bờ để trao tặng ngư dân. Ảnh: Lưu Hương |
Một trong những nội dung của mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về biển đảo, về Luật biển Việt Nam, về Luật biển của các nước có vùng chồng lấn, vùng biển giáp ranh để ngư dân không vi phạm. Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật đã được phổ biến cho hơn 10.300 lượt cán bộ, ngư dân.
Bên cạnh đó, Cảnh sát biển cũng đã tổ chức 11 cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại trường trung học cơ sở của các xã, huyện đảo với hơn 6.500 giáo viên, học sinh và cán bộ chính quyền địa phương tham gia; in ấn và cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, 1.250 sổ tay pháp luật. Cảnh sát biển tổ chức 70 lượt phương tiện tàu, xuồng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; cứu được 415 thuyền viên, 17 phương tiện tàu thuyền, cứu vớt 15 thi thể; ứng cứu kịp thời nhiều ngư dân gặp nạn trên biển.
Điểm tựa để bà con ngư dân vươn khơi bám biển
Tàu Cảnh sát biển lai dắt tàu của ngư dân bị nạn vào cảng Kỳ Hà. |
Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã kêu gọi, vận động hơn 60 tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ hơn 8 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho hàng trăm gia đình chính sách, ngư dân nghèo.
Theo đó, đã tặng 2 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; hỗ trợ xe đạp, học bổng cho gần 1.000 học sinh nghèo vượt khó; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 1.860 lượt ngư dân; tặng 2.370 cờ Tổ quốc, 2.170 tủ thuốc và túi cứu thương, 1.364 áo phao, cùng các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm có giá trị hàng trăm triệu đồng...
Góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển
Theo Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, “trong thời gian tới đây, được sư quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng cảnh sát biển sẽ triển khai thêm nhiều địa điểm ứng trực trên biển tạo độ dày trên biển để khi ngư dân có yêu cầu hỗ trợ thì lực lượng cảnh sát biển chúng tôi sẽ có mặt được ngay”.
Cảnh sát biển cứu thành công ngư dân bị nạn trên biển. |
Đánh giá về hiệu quả của mô hình Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, “Chúng tôi đã cùng các địa phương tổ chức rút kinh nghiệm để tìm ra những điểm mạnh, yếu qua 2 năm triển khai hoạt động này, để làm như thế nào giúp mô hình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân ngày càng lan toả được rộng khắp ở các vùng biển đảo. Qua đó góp phần sát cánh cùng ngư dân, bảo đảm cho bà con yên tâm vươn khơi bám biển xây dựng kinh tế gia đình và địa phương.
Các ngư dân bị nạn được tàu cảnh sát biển kịp thời đưa vào bờ để chữa trị. |
Không thể phủ nhận, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã góp phần chủ đạo xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, để mỗi con tàu của ngư dân trở thành cột mốc sống trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Những tổ đội đánh bắt trên biển chính là những làng bản, lũy thép nhiều tầng nhiều lớp, tích cực tham gia cung cấp thông tin tình hình an ninh, an toàn trên biển, kịp thời tố giác tội phạm cho các cơ quan chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.
Trần Thị Hảo
Ảnh: Đoàn Bổng