Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng trực tiếp thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; Công ước về an toàn sinh mạng trên biển năm 1974, sửa đổi, bổ sung năm 1978 - SOLAS 1974; Công ước về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải (SUA 88) và Nghị định thư về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các giàn khoan cố định ở thềm lục địa; Công ước về tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 1979 (SAR 1979); Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chông lại tàu thuyền tại Châu Á; Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc ... Cảnh sát biển Việt Nam sau khi thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo, xin phép thì có quyền thực hiện hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia nằm ở cực đông nam bán đảo Đông Dương, có đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo. Ngoài vùng nội thuỷ, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và cuối cùng là thềm lục địa. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km² biển Đông.
Tuy nhiên thực tế đã chỉ ra rằng, có những vùng biển (vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia) chưa xác định đường cơ sở, chưa xác định được nội thủy, lãnh hải nên không có cơ sở để phân chia phạm vi hoạt động cho từng lực lượng. Hơn nữa, vùng biển Việt Nam rộng, khó kiểm soát, quản lý và bảo vệ, trong đó khu vực biển phía Nam có nội thuỷ từ 80 -100 hải lý (từ Hòn Hải đến Côn Đảo, Thổ Chu) là vùng biển chiến lược quan trọng, có nhiều nguồn tài nguyên cần bảo vệ, đồng thời có nhiều hoạt động khai thác biển, đã xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: buôn lậu, gian lận thương mại, tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, khai thác tài nguyên biển trái phép, cướp có vũ trang trên biển...
Trong khi đó, các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển còn mỏng; phương tiện, trang bị và năng lực hoạt động còn hạn chế. Nếu phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng biển cho các lực lượng, sẽ dễ dẫn đến bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm trên biển; lãng phí nguồn lực Đảng, Nhà nước đã đầu tư cho Cảnh sát biển Việt Nam, làm hạn chế việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; bảo đảm tương đồng về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển (lực lượng bảo vệ bờ biển) của một số nước.
Theo ghi nhận, hiện nay các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật hành chính xảy ra trên biển đều có mối liên hệ mật thiết với các địa bàn ngoài vùng biển Việt Nam (trên đất liền, vùng biển quốc tế, vùng biển quốc gia khác). Mối liên hệ có thể xuất phát từ đối tượng, trụ sở, kho tàng, tang vật, tài liệu… đặc biệt đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, khủng bố, ma túy, buôn người, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển...
Cảnh sát biển được quyền hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam. |
Bởi vậy, Tại Khoản 2, Điều 11 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rất rõ: “Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam.” Đây là điểm mới về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam quy định trong Luật là hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam. Cụm từ “ngoài vùng biển Việt Nam” có thể được hiểu bao gồm: các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế).
Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ 07 biện pháp công tác Cảnh sát biển gồm: vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quy định cụ thể những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. |
Quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thể hiện đúng vị trí, vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển.
Đây là quy định mới, rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008; khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đang chưa có quy định về biện pháp công tác Cảnh sát biển.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng quy định rõ ràng hơn về hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, bố cục một mục riêng, gồm ba điều về nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngọc Trang
Ảnh: Anh Duy