Dự báo những năm tiếp theo, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, kinh tế biển Việt Nam còn bị tác động, ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống trên biển.

{keywords}
CSB Việt Nam phát tờ rơi, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân

Trong bối cảnh đó, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển - Thiếu tướng Trần Văn Nam cho rằng: Để quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW, phát huy vai trò làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lực lượng Cảnh sát biển cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau để góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn với nhiệm vụ Quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên biển:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XII, Nghị quyết số 26-NQ/CP của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gắn chặt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển với mục tiêu bảo vệ  hoạt động của tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh tế biển; tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ hai, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hoàn thiện, chuẩn hóa về tiêu chí cán bộ các cấp thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Điều chỉnh tổ chức, biên chế các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp cơ sở; xác định rõ nhiệm vụ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, có lộ trình, phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chủ trì các cấp.

Thứ ba, chủ động, tích cực tham mưu đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho lực lượng Cảnh sát biển thực hiện các dự án đóng mới tàu thuyền, nhất là các tàu có lượng giãn nước lớn, đa năng, có tính cơ động cao, khả năng hoạt động dài ngày trên biển trong các điều kiện thời tiết phức tạp; ưu tiên mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, hiện đại đáp ứng yêu cầu đặc thù của Cảnh sát biển, như: máy bay tuần thám biển, máy bay trực thăng; hệ thống chỉ huy điều hành, thông tin liên lạc, giám sát mặt biển; các phương tiện trinh sát, kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; thiết bị bảo đảm an toàn, cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường biển; nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ kỹ - thuật, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, phục vụ kịp thời mọi yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ tư, xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 202 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về thực hiện Phòng trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật trên biển:

Thực hiện tốt nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trên biển, tham mưu, đề xuất kịp thời cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước về chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển đúng đối sách.

Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, sự hiện diện của Cảnh sát biển trên các vùng biển, đảo Việt Nam, nhất là ở những vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước để kiểm soát tình hình và phòng, chống các hoạt động tội phạm, vi phạm; gia tăng hoạt động bảo đảm an toàn cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, giao thông hàng hải, du lịch biển đảo...trong vùng biển Việt Nam; đồng hành cùng ngư dân, tạo ngư trường ổn định, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho ngư dân làm ăn trên biển; kiểm soát, xử lý tốt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách. 

{keywords}
Chuyển bệnh nhân từ tàu cá lên xuồng CSB 709. Ảnh: Thanh Nghị.

Thứ sáu: Chủ động tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật trên biển

Quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội về đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về biển. Thực hiện nghiêm các điều ước, thoả thuận khu vực, toàn cầu về biển, đại dương mà Việt Nam là thành viên. Đảm nhiệm tốt vai trò thành viên, vai trò đại diện của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, các diễn đàn quốc tế, khu vực về biển và thực thi pháp luật trên biển.

Duy trì hiệu quả Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực Châu Á; đẩy mạnh việc thiết lập thêm đường dây nóng giữa lực lượng Cảnh sát biển với cơ quan, lực lượng chức năng quốc gia trong khu vực; tăng cường hợp tác quốc tế trong huấn luyện, diễn tập; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, ưu tiên chuyển giao, tiếp nhận khoa học, công nghệ hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, năng lực, kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Vũ Việt Bảo Phùng (ghi)
Ảnh: Huy Linh