- Hôm trước em đi làm về muộn lúc 12 giờ đêm thì có xe CSCĐ yêu cầu em dừng xe, kiểm tra giấy tờ bao gồm: bằng lái, giấy tờ xe và bảo hiểm. Em không mang nên các anh lập giấy nộp phạt. Xin hỏi luật sư trường hợp này CSCĐ có quyền xử phạt em không? Mức phạt cho mỗi loại giấy tờ là bao nhiêu?

{keywords}
Tôi sẽ bị xử phạt ra sao? (Ảnh minh họa)

Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi điều khiển phương tiện bạn phải mang theo các giấy tờ sau:

- Đăng ký xe;

- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Quyền hạn của cảnh sát cơ động

Quyền hạn và đối tượng tuần tra kiểm soát của cảnh sát cơ động được quy định tại điều 8, 9, Thông tư 58/2015/TT-BCA cụ thể:

"Điều 8. Quyền hạn

1. Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

2. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền.

3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

4. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

5. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

6. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an."

"Điều 9. Đối tượng tuần tra, kiểm soát

1. Đối tượng tuần tra gồm: khu vực,mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công.

2. Đối tượng kiểm soát gồm: người, phương tiện, đồ vật, tài liệu."

Như vậy, cảnh sát cơ động có quyền hạn kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

Về thẩm quyền xử phạt của cảnh sát cơ động trong lĩnh vực giao thông:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì: “Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm, Khoản, Điều của Nghị định này”

Như vậy cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi có liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Để biết chi tiết từng hành vi mà Cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt, bạn có thể tham khảo các quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo như bạn trình bày, bạn không mang bằng lái, giấy tờ xe và bảo hiểm nên căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này.

Với việc vi phạm nhiều lỗi cùng một lúc, bạn sẽ bị phạt tiền với tổng mức phạt của các hành vi vi phạm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc