Cảnh sát Hy Lạp đang tăng cường các nỗ lực bắt giữ những người nhập cư trái phép bằng một chiến dịch kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người nước ngoài. Tuy nhiên, du khách cũng bị nhắm tới và ít nhất đã có hai người bị đánh đập tồi tệ.

TIN BÀI KHÁC:

Cảnh sát Hy Lạp đang nỗ lực truy quét người nhập cư trái phép. (Ảnh: Getty)

Khi du khách ba lô người Hàn Quốc Hyun Young Jung bị chặn lại bởi một người đàn ông cao lớn nói tiếng Hy Lạp ngay trên phố ở trung tâm Athens, anh nghĩ có thể mình gặp phải người xấu, vì vậy anh từ chối rất lịch sự và tiếp tục hành trình của mình. Vài phút sau, anh lại bị chặn lại, và lần này là một người mặc đồng phục cảnh sát yêu cầu anh xuất trình giấy tờ. Là một du khách dày dạn kinh nghiệm, anh rất thận trọng.

Hy Lạp là điểm đến thứ 16 trong hành trình du lịch khắp thế giới kéo dài 2 năm của Jung. Anh thường được cảnh báo về những kẻ mặc đồng phục giả bòn tiền của du khách. Vì vậy, anh trình hộ chiếu và hỏi người đàn ông về thẻ cảnh sát của anh ta.

Thay vào đó, Jung nhận được một cú đấm vào mặt. Trong vài giây, anh bị khống chế và bị đá. Quá sốc, đến lúc này Jung mới biết mình bị đối xử như tội phạm và bắt đầu kêu cứu. Nhưng chỉ khi anh bị còng tay và bị lôi đi khoảng 500m tới đồn cảnh sát gần nhất, anh mới nhận ra mình bị bắt. Ở ngoài đồn, anh lại bị đánh vô cớ vào mặt và đến khi vào bên trong đồn, anh bị đánh một lần nữa ở cầu thang.

Jung bị giữ với một số người nhập cư đến từ châu Phi và châu Á. Họ bị tạm giữ như một phần của chiến dịch mang tên Xenios Zeus. Chiến dịch này nhằm giải quyết làn sóng nhập cư trái phép mà trong hơn một thập niên qua đã làm thay đổi bộ mặt của trung tâm thành phố Athens.

Hyun Young Jung, du khách Hàn Quốc. (Ảnh: BBC)

Khi Jung được thả vài giờ sau khi bị bắt, anh cho biết một sĩ quan cảnh sát còn hét với theo: "Này người Hàn Quốc kia, về nhà đi". 

Nhưng Jung đã đến thẳng Đại sứ quán Hàn Quốc ở Athens và trở lại cùng với vị lãnh sự để gặp những người đã đánh anh. Họ mất 5 chuyến đi như vậy nữa tới đồn cảnh sát cùng một đơn than phiền chính thức từ đại sứ quán gửi tới chỉ huy cảnh sát và 10 ngày chờ đợi nữa trước khi các sĩ quan liên quan đến vụ việc của Jung bị nêu tên. 

Hồi mùa hè năm ngoái, một người Mỹ gốc Nigeria tên là Christian Ukwuorji đến thăm Hy Lạp cùng vợ con nhân kỳ nghỉ của gia đình cũng bị cảnh sát chặn lại ở Athens và bị hỏi giấy tờ tùy thân. Sau đó, anh bị bắt cùng với một nhóm người nhập cư, bị đưa tới đồn cảnh sát và bị đánh đập ở đó.

Đại sứ quán Mỹ đã yêu cầu điều tra về vụ việc nhưng 6 tháng trôi qua vẫn chưa có phản hồi nào từ cảnh sát Athens. Ukwuorji tin rằng anh là nạn nhân của phân biệt chủng tộc và sẽ không bao giờ tới Hy Lạp nữa.  

Christian Ukwuorji thề sẽ không bao giờ tới Hy Lạp nữa. (Ảnh: BBC)

Du lịch là một nguồn thu nhập chính ở Hy Lạp, đặc biệt quan trọng vào một thời điểm mà các ngành nghề khác đang trong tình trạng phá sản. Bất cứ hành động nào ngăn cản du khách tới đất nước này được cho sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế khó khăn này. Do vậy, giới phân tích cho rằng cảnh sát Hy Lạp phải rất thận trọng và nhân đạo khi thực hiện chiến dịch truy quét người nhập cư trái phép.

Được biết, khoảng 95% người nhập cư không giấy tờ vào Liên minh châu Âu qua Hy Lạp, và do kiểm sát biên giới rất chặt chẽ, những người này khó tiếp tục đến phần còn lại của châu Âu nên họ kẹt lại ở Hy Lạp. Theo một số ước tính, người nhập cư hiện chiếm khoảng 10% dân số Hy Lạp.

Thanh Hảo (Theo BBC)