Chuyên gia an ninh mạng cho biết, tùy thuộc dấu vết người này lưu lại trên mạng ít hay nhiều, cơ quan công an sẽ tìm ra họ.

Sáng 19/11, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, truy tìm chủ tài khoản Facebook tung tin giả mạo tổ chức khủng bố IS - thủ phạm gây ra vụ khủng bố tại Paris hôm 13/11 vừa qua.

Theo thông tin ban đầu, cảnh sát đã khoanh vùng được một số tài khoản mạng xã hội đăng hình ảnh của nghi phạm tham gia thảm sát, mạo danh nhóm khủng bố này. Đến nay, các tài khoản này đã gỡ hình ảnh và nội dung.​

{keywords}

Một tài khoản Facebook giả mạo IS đưa tin khiêu khích khủng bố.

Theo nhà chức trách, tùy vào tính chất, mực độ hành vi, người đưa, sử dụng thông tin trái phép có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự với mức án lên đến 5 năm tù giam.

Nói về khả năng truy tìm chủ nhân tài khoản Facebook đầu tiên đăng ảnh, thông tin giả mạo tổ chức khủng bố IS, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết, tùy thuộc dấu vết người này lưu lại trên mạng ít hay nhiều, cơ quan công an sẽ tìm ra họ sớm hoặc muộn.

“Ai làm việc gì trên mạng đều để lại dấu vết và có thể tìm ra, vấn đề chỉ là thời gian” - chuyên gia nói với Zing.vn.

Chia sẻ quan điểm về việc đang gây xôn xao cộng đồng mạng, ông Tuấn Anh cho rằng Facebook giả mạo tên Timur Zhunusov đã đánh trung tâm lý đám đông của nhiều bạn trẻ Việt, lôi kéo thành công họ tham gia bình luận kích động.

Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng và không phải vướng những rắc rối pháp lý, Phó Chủ tịch Phụ trách An ninh mạng Bkav khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác khi tiếp nhận thông tin lạ.

Trước khi tham gia ý kiến, mọi người cần tự kiểm tra tính chính xác của thông tin. “Người dùng có thể kiểm tra thời gian tạo lập Facebook, số người theo dõi tài khoản đó. Nếu thấy nghi vấn, nên cân nhắc bình luận để tránh bị lợi dụng” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

{keywords}

Các chuyên gia an ninh mạng của cảnh sát công nghệ cao. Ảnh: Tùng Lâm.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước sự xuất hiện hàng loạt tài khoản Facebook giả mạo IS đưa thông tin kích động, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích bạo lực.

Sau khi tài khoản giả mạo đầu tiên bị xóa khỏi Facebook, nhiều người đã sao chép, lập ra các trang mới để đưa thông tin kích động.

Đây không phải lần đầu tiên những thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân và trật tự an toàn xã hội được phát tán trái phép trên mạng Internet.

Khoảng nửa năm trước, trang Facebook có tên Phạm Anh Tuấn đăng status: “Rạng sáng nay 9/4, sau khu ký túc xá ĐH Công nghiệp Hà Nội các bạn sinh viên phát hiện em PTA sinh viên năm nhất khoa DL - Sư phạm bị hiếp dâm chết lõa thể trước đó tầm 6-7 ngày”.​

Đi kèm thông tin hoang báo này là hình ảnh lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ một cô gái nằm bất tỉnh trên nền đất. Ngay lập tức, nhiều diễn đàn mạng đã chia sẻ status này.

Vào cuộc điều tra, cảnh sát đã bắt, xử lý hình sự 2 người tung thông tin thất thiệt.

Ngày 17/11, đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an có điện gửi thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; giám đốc công an các tỉnh, thành phố... yêu cầu các lực lượng tập trung xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những người lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố, bạo lực cực đoan.

Bộ trưởng Công an chỉ đạo các lực lượng công an đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong trao đổi thông tin về khủng bố quốc tế tác động đến an ninh Việt Nam, nâng cao năng lực chống khủng bố.

Theo Zing