Theo thống kê, những vụ cháy chợ truyền thống thường để lại những thiệt hại rất nghiêm trọng về tài sản. Thời điểm xảy ra cháy chính là lúc việc buôn bán bận rộn, hàng hóa tập kết nhiều, nhất là dịp cuối năm, lễ, Tết, khi công tác phòng cháy chữa cháy bị xem nhẹ.
Trước đó, ngày 7/5, xảy ra vụ cháy chợ truyền thống đã xảy ra tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Khi ngọn lửa bùng phát, lực lượng chức năng, các tiểu thương cùng người dân đã nỗ lực dập lửa. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nắng nóng, hanh khô kết hợp với nhiều hàng hóa dễ cháy khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn.
Vụ cháy đã khiến hàng trăm ki ốt bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, sáng ngày 22/4, tại một kiốt trong chợ Bình Thành (Thanh Bình, Đồng Tháp) cũng bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng và nhấn chìm toàn bộ 17 kiốt trong biển lửa cùng nhiều tiếng nổ lớn. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người song nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Chưa hết, sáng ngày 12/2, chợ Tam Bạc, hay còn gọi là chợ Đổ (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) xảy ra cháy khiến toàn bộ khu chợ với diện tích hơn 4.600 m2 chìm trong biển lửa.
Hàng chục xe chữa cháy của Công an TP, Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng, Công an tỉnh Hải Dương, Thái Bình và hàng trăm chiến sĩ đã được huy động để xử lý đám cháy. Sau hơn 4 giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy mới được không chế.
Theo đại diện Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Việt Nam, đặc thù của các chợ truyền thống là hàng hóa nhiều, xếp lộn xộn, lấn chiếm xuống cả lối đi. Ngoài ra, hệ thống điện không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên, xuống cấp, các hạng mục về PCCC không đảm bảo.
Vị đại diện này cũng nhận định, tại các khu chợ truyền thống hiện tập trung rất nhiều loại hàng hóa dễ cháy, một khi đã cháy sẽ lây lan rất nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết, để chủ động phòng ngừa xảy ra cháy tại các chợ truyền thống, các ban, tổ quản lý tại các chợ cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động các tiểu thương tự giác, chủ động thực các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Tại các chợ truyền thống, hệ thống đường điện cần tách thành điện phục vụ kinh doanh, khi lắp đặt cần tính toán kỹ tới công suất, dòng điện tiêu thụ để tránh quá tải. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, sửa chữa, nâng cấp, thay thế khi có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Khi đóng cửa, các hộ kinh doanh cần kiểm tra kỹ lưỡng nguồn điện, ngắt nguồn điện trong khu vực, chỉ để lại nguồn điện để phục vụ cho công tác bảo vệ. Các hộ kinh doanh tuyệt đối không tự ý câu kéo điện.
Ban quản lý các chợ cũng cần đốc thúc các hộ kinh doanh bố trí, sắp xếp hàng hóa hợp lý, khoa học, không lấn chiếm lối đi. Những hộ kinh doanh các sản phẩm có nguy cơ cháy nổ cao cần có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Vị đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, cần thường xuyên tập huấn PCCC cho các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống, thành lập đội PCCC với lực lượng đủ dày để thường trực, tuần tra, sớm phát hiện cháy để xử lý kịp thời.
Đặc biệt, tại các chợ truyền thống thường có tình trạng thờ thần tài, thắp hương ngay tại khu vực kinh doanh. Lực lượng PCCC cảnh báo đây là nguy cơ lớn gây cháy do bất cẩn.