Trao cơm bằng gậy
Quyết tâm đồng hành, hỗ trợ người nghèo, vô gia cư trong đại dịch, chị Phạm Thị Diễm Lệ (ngụ quận 2, TP.HCM) tiếp tục “giữ lửa” bếp cơm từ thiện của mình. Chị nói, chị và những người chung sức sẽ cố gắng duy trì bếp cơm cho đến hết thời gian giãn cách.
Thế nên, ngày đầu tiên sau Chỉ thị 16, chị vẫn trực tiếp đem cơm đi gửi tặng cho người cần. Tuy nhiên, để hoạt động hỗ trợ người nghèo, vô gia cư phù hợp với Chỉ thị 16, chị Lệ đã có những thay đổi.
Để đảm bảo công tác phòng dịch, họ chỉ gửi cơm cho người cần vào buổi tối. Chị Lệ và các thành viên của bếp cơm cũng không trực tiếp đi phát cơm như trước. Thay vào đó, chị cùng mọi người chủ động ở nhà chuẩn bị các phần cơm.
Trước Chỉ thị 16, sau khi chuẩn bị các phần cơm, chị Lệ cùng nhóm bạn chung sức đem đến vỉa hè phát cho người cần. |
Công việc phát cơm, chị kết nối với các tình nguyện viên có kinh nghiệm, thông thuộc các tuyến đường có nhiều người nghèo, vô gia cư. Chị Lệ chia sẻ: “Khoảng 18h, các tình nguyện viên đến bếp nhận các phần cơm. Nhóm 4 bạn tình nguyện viên sẽ chia nhau đem cơm đi phát mỗi tối”.
"Sau Chỉ thị 16, các tình nguyện viên sử dụng gậy để gửi những phần cơm. Theo đó, các bạn phát treo hộp cơm vào một đầu gậy dài 2m rồi đưa cho người nhận chứ không tay trao tay như trước".
Hiện nay, bếp của chị chỉ phát cơm vào ban đêm và sử dụng gậy để trao các phần cơm cho người nghèo, vô gia cư. |
"Cách thức này sẽ hạn chế tối đa việc tụ tập, tiếp xúc gần, đảm bảo an toàn cho người phát lẫn người nhận cơm”, chị Lệ nói thêm.
Cùng tổ chức tặng quà cho người nghèo, vô gia cư vào ban đêm, nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn cũng thay đổi cách thức hoạt động ngay sau khi Chỉ thị 16 có hiệu lực.
Anh Nguyễn Vương Trường Thành, Trưởng nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn, cho biết sau Chỉ thị 16, nhóm hạn chế số lượng thành viên đi phát vào mỗi đêm.
Nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn hạn chế tình nguyện viên đi phát quà cho người vô gia cư vào ban đêm. |
Anh Thành nói: “Mỗi tối, nhóm chỉ cắt cử 4-5 thành viên đi phát quà. Mỗi người đi mỗi quận, việc tặng quà cũng diễn ra trong thời gian ngắn, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Nhóm cũng thành lập 6 điểm tặng quà cố định vào buổi sáng”.
“Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện của nhóm như: Hỗ trợ nhân lực vận chuyển quà, giữ trật tự khi người dân đến nhận quà. Khi các tình nguyện viên đi phát quà, lực lượng chức năng tại các chốt cũng tạo điều kiện để các bạn hoàn thành công việc”, anh Thành cho biết thêm.
Dừng các hoạt động không phù hợp, tự cách ly hoàn toàn nhân viên
Trong khi đó, anh Nguyễn Tuấn Khởi, người có nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo mùa dịch trong thời gian qua quyết định tạm dừng Tủ lạnh cộng đồng. Theo anh, mô hình này đã không còn phù hợp với Chỉ thị 16.
Anh Nguyễn Tấn Khởi dừng hoạt động mô hình Tủ lạnh cộng đồng do không phù hợp với Chỉ thị 16. |
Thay vào đó, anh quyết định thực hiện hoạt động chuyển cơm đến từng khu trọ. Hoạt động này sẽ do các điều phối viên thực hiện. Anh Khởi cho biết, những người này khi ra đường đều có Thẻ điều phối viên được cơ quan chức năng xác nhận.
“Chúng tôi cũng sử dụng xe tải nhỏ chở “Hộp thực phẩm” đến mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, để có thể hỗ trợ được thêm nhiều đối tượng khó khăn vì dịch bệnh, chúng tôi đã phát triển mô hình Khách sạn cộng đồng, Container cộng đồng”, anh Khởi chia sẻ thêm.
Thay vào đó, anh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người khó khăn trong mua dịch khác như: “Hộp thực phẩm”, Khách sạn cộng đồng, Container cộng đồng”… |
Tại quận 4 (TP.HCM), bếp cơm từ thiện có quy mô lớn của Hội từ thiện Tường Nguyên sau Chỉ thị 16 cũng có những thay đổi. Tuy nhiên, thay vì tạm ngưng hoạt động, giảm số lượng tình nguyện viên, bếp cơm lại tăng thêm suất ăn cho người thất nghiệp, vô gia cư, bệnh nhân nghèo.
Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện xã hội Giáo hội Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội từ thiện Tường Nguyên cho biết, trước Chỉ thị 16, bếp cơm nấu khoảng 5.000 suất/ngày. Tuy nhiên, sau chỉ thị, bếp đã tăng từ 5.000 suất/ngày lên 7.000 suất/ngày.
Sau Chỉ thị 16, bếp cơm từ thiện Tường Nguyên tăng từ 5000 suất cơm/ngày lên 7000 suất/ngày. |
Theo Đại đức Thích Minh Phú, nhận thấy sau Chỉ thị 16, những người thất nghiệp, vô gia cư sẽ khó khăn hơn nên bếp cơm chủ động tăng số suất cơm mỗi ngày. Để bếp cơm hoạt động tốt, phù hợp với Chỉ thị 16, Hội từ thiện Tường Nguyên đã thực hiện công tác phòng dịch ngay từ đầu.
Đại Đức Thích Minh Phú chia sẻ: “Mỗi tuần, hội đều tổ chức cho tất cả tình nguyện viên của bếp cơm xét nghiệm Covid-19. Sau Chỉ thị 16, hội yêu cầu các tình nguyện viên phụ trách việc nấu ăn ở lại bếp cơm, cách ly hoàn toàn, không tiếp xúc với bên ngoài”.
Để đáp ứng việc chuẩn bị số lượng suất cơm lớn, tuân thủ Chỉ thị 16, bếp cơm đã chủ động công tác phòng dịch ngay từ đầu. |
“Việc phát cơm sẽ do các tình nguyện viên khác phụ trách. Hội cũng đã liên hệ chính quyền địa phương để xin giấy xác nhận cho lực lượng này.
Đặc biệt, nhóm tình nguyện viên phát cơm cũng không được tiếp xúc với nhóm người thực hiện công tác nấu ăn trong bếp cơm”, Đại đức Thích Minh Phú cho biết thêm.
Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bữa cơm từ thiện trước ngày Sài Gòn giãn cách
Người đến nhận cơm đa số là người già, người lao động nghèo, vô gia cư. “Trước khi chúng tôi đến, mọi người đã xếp thành hàng dài cả km để đợi nhận cơm”.