Trên chiếc xe do một người kéo là chiếc lu to. Một người phía sau phụ đẩy tới. Hết chiếc này đến chiếc khác, họ lách qua từng hàng hàng lu, chậu để ra bên ngoài...
Kéo gốm đi nung nhờ
Chúng tôi bắt gặp hình ảnh trên tại lò gốm Phong Sơn trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Tân Vạn, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vào một buổi sáng. Họ kéo xe đi chậm và rất cẩn thận. Chiếc lu trên xe còn đỏ, rất mới. Gương mặt những người kéo xe ai nấy cũng buồn rười rượi...
Khi được hỏi: "Các anh chở lu đi đâu vậy?", người kéo xe dừng lại chỉ tay về phía sau.
"Anh thấy ống khói kia không? Nó đã im một tháng nay rồi. Lò chúng tôi không được phép đỏ lửa. Những món hàng làm dở đành phải đem đến các lò lân cận để nung nhờ", anh trả lời.
Đống đất nguyên liệu, củi và lò nung. Phía xa xa là ông khói của lò gốm Phong Sơn. |
Bước vào bên trong, hàng loạt lu, chậu mới tượng hình sắp đầy trong sân. Những con cá thật to cong đuôi còn áp trong khuôn. Tất cả đều trong tình trạng chờ nung để hoàn chỉnh.
Bên ngoài khu vực này, hàng loạt hàng thành phẩm đang được xuất lên xe. Những chiếc bình thật cũ, những chậu đã ngả màu thời gian được đưa lên xe. Tôi ngạc nhiên: "Hàng cũ lắm rồi sao còn bán được?".
"Không phải vậy đâu anh. Tất cả đều là hàng mới nhưng chúng tôi làm theo cách giả cổ. Xu hướng bây giờ người sử dụng muốn trở về với thời xa xưa", một người công nhân bốc xếp cho biết.
Bến nước, nơi đây là sông Đồng Nai. Ngày xưa là nơi cập bến của ghe thuyền chuyên chở nguyên liệu và đưa hàng đi các nơi. |
Anh Hứa Mỹ Chiêu (43 tuổi, chủ lò), hướng dẫn chúng tôi đi tham quan lò. Lò nằm trên khu đất rộng gần 2ha. Anh cho biết, lò gốm này đã có từ những năm cuối thế kỷ 19.
Trước đây lò có tên là Lâm Trường Phong do các thế hệ ông bà của anh đảm trách. Đến đời anh là đời thứ 5. Trải qua hơn 100 năm hoạt động, sản phẩm từ lò làm ra đã có mặt khắp nơi trong nước và cả nước ngoài.
Anh mời chúng tôi lên lò đốt. Lò đốt khá dài có thể lên đến 100m gồm 2 dãy lò song song nhau. Trên mỗi dãy lò có những ô trống để đưa củi vào.
Cửa lò nằm ở giữa, rộng và cao. Sản phẩm sau khi tượng hình xong và phơi khô sẽ được đưa vào đây để nung với nhiệt độ 1.000 độ C.
Đưa hàng đi nung nhờ ở lò lân cận. |
Anh tiếp tục nói: "Lò dài và rộng như thế nên chứa được rất nhiều sản phẩm. Mỗi lần nung, lò đỏ lửa suốt trong 10 ngày. Cuối tháng 4 vừa qua chúng tôi bị lập biên bản không được phép đốt lò.
Hàng hóa đã làm xong mà không nung thì làm sao đây. Vì thế chúng tôi phải nhờ các lò đồng nghiệp ở quanh đây. Nhưng có ai nhường nguyên lò cho mình đâu. Mỗi lò một ít nên tôi dự đoán phải mất một tháng rưỡi mới xong.
Hợp đồng với khách hàng - nhất là với khách hàng nước ngoài còn dang dở rất nhiều. Với tình trạng này rồi chúng tôi sẽ ra sao, đi về đâu? Chúng tôi có thể đóng cửa nhưng cuộc sống của hơn 60 công nhân nhiều năm bám trụ sẽ rất mù mịt. Nghĩ mà buồn lắm anh ơi... ".
Hàng chưa nung. |
Phải đốt bằng củi
Nghề gốm ở Biên Hòa là nghề truyền thống của địa phương. Vào những thế kỷ trước, một số người Hoa mang theo nghề gốm xuôi về phương Nam đến đất cù lao Phố này.
Họ lập thành làng. Làng gốm Tân Vạn có từ thuở đó. Lò gốm Lâm Trường Phong, do ông chủ người Hoa lập nên là lò gốm đầu tiên.
Cửa lò. |
Làng gốm Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh dọc theo sông Đồng Nai hoạt động khá mạnh. Trước 1975, có 3 lò nổi tiếng là Quảng Hưng Long, Lâm Trường Phong và Trần Lâm.
Sau đó, khi kinh tế phát triển, nhiều lò gốm mọc lên trong đó có các lò như lò bà Lửng, ông Lèo, ông Một, quận Cơ, hai Sữu...
Gốm ở khu vực này nổi tiếng là gốm đất đen. Theo giải thích của một số người am hiểu, đất nguyên liệu được khai thác quanh núi Châu Thới mà chỉ có ở khu vực này đất mới đạt yêu cầu về sản phẩm.
Đất được đem về chế tác hình thù rồi đưa vào lò nung bằng củi. Do nung trong nhiều ngày sản phẩm từ màu đỏ biến sang đen. Tro bụi của củi bám vào tạo thành một lớp men tự nhiên rất đẹp và rất tốt. Vì thế muốn có sản phẩm đạt chất lượng các lò gốm ở khu vực này đều phải đốt bằng củi mà không phải dùng đến một loại nhiên liệu nào khác.
Anh Chiêu thuật lại, năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án làng nghề gốm sứ Tân Hạnh gom tất cả các lò gốm rải rác các nơi về một điểm. Đặc biệt hơn, các lò gốm sẽ không được đốt bằng củi vì gây ô nhiễm.
Dãy lò dài 100m. Nơi có mũi tên dùng để đưa củi vào đốt. |
Trải qua hơn 100 năm, gốm Biên Hòa đều sử dụng củi để có những sản phẩm nổi tiếng. Giờ đây, không đốt bằng củi thì không thể có sản phẩm ưng ý. Chính vì vậy việc quy hoạch làng nghề gốm sứ Tân Hạnh bị chậm nhiều năm đến hôm nay, vẫn chưa hình thành.
Nói đến đây, anh Chiêu chỉ cho chúng tôi xem một chiếc lu. Lu có màu tối, không bóng loáng nhưng chắc chắn. Anh giãi bày chỉ có đất ở khu vực này làm ra đốt bằng củi thì mới được như vậy.
Lớp men này do tro bụi của củi tạo nên, không có một chút hóa chất pha trộn nào...
Hàng tồn còn rất nhiều. |
Những ngày này đến làng gốm Tân Vạn dường như ai cũng buồn. Những ống khói không còn tỏa, những trục xoay không còn xoay và công nhân làng gốm không khỏi hoang mang.
Họ đang cần một giải pháp tối ưu giúp giữ được nét đẹp của làng nghề truyền thống và cũng giúp họ có được miếng cơm hàng ngày.
(Còn nữa)
Đại gia bí ẩn bỏ 2,3 tỷ đồng mua chiếc quần bò 125 'tuổi'
Mặc dù chiếc quần bò sản xuất từ năm 1893, nhưng nhờ được cả gia đình giữ gìn cẩn thận nên chất lượng vải còn rất tốt.
Nhà cổ bên sông dựng từ 200 cây gỗ quý của tri huyện ở Đồng Nai
Ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du được xây dựng vào năm 1900 từ 200 cây gỗ quý, thi công suốt 2 năm trời. Tọa lạc trong khu đất rộng 1200m2, mặt tiền nhà cổ hướng ra sông Đồng Nai và mặt hậu tựa lưng vào núi Châu Thới.
Người đàn bà cứu 34 nạn nhân chìm đò được giúp trả hết nợ
Sau thời gian dài chìm trong cảnh nợ nần, bà Nguyễn Thị Hệ đã được các mạnh thường quân giúp đỡ xóa bỏ số nợ và tặng một sổ tiết kiệm để an hưởng tuổi già.
Cuối đời cô đơn của nghệ sĩ lừng lẫy Sài thành
Trong mỗi phòng ở khu dưỡng lão này, những tấm hình thuở vàng son của họ được treo đầy trên vách. Những nụ cười, những ánh mắt của một thời vang bóng được lưu giữ như báu vật.
Trần Chánh Nghĩa