Hình thành ít nhất 3 dự án phát triển nông nghiệp thông minh
Cao Bằng luôn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh biên giới Cao Bằng đang nỗ lực thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp thông minh và coi đây là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Điểm nhấn nổi bật trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp tại Cao Bằng là tập trung nghiên cứu phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương để từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã nghiên cứu phục tráng và phát triển các giống cây trồng đặc sản của địa phương, đưa các loại giống cây trồng mới cho năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện từng vùng miền trong tỉnh vào sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu nhân giống sản xuất đến bảo quản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Có thể kể đến các kết quả nổi bật như:
Qua triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa Nếp hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng” đã phục tráng hai giống lúa trên bảo đảm theo quy trình sản xuất giống do Bộ NN&PTNT ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng năng suất bình quân đạt 46 tạ/ha, cao hơn giống cũ 20%; hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa nguyên chủng và quy trình thâm canh sản xuất lúa để chuyển giao cho địa phương áp dụng, vì vậy năng suất và chất lượng lúa được nâng cao rõ rệt. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã triển khai dự án về sở hữu trí tuệ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nếp hương Bảo Lạc” để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành NN đạt trên 3,5%/năm; đầu tư và thu hút đầu tư hình thành ít nhất 3 dự án phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phấn đấu có 5 sản phẩm chủ lực đạt 4 sao và 120 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
Riêng trong năm 2022, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện hiệu quả Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030; Chú trọng thâm canh, chăm sóc tốt diện tích các cây trồng, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa, cây trồng thế mạnh...; Đổi mới phương thức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tập trung hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư…
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp
Cao Bằng xác định mục tiêu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp để ổn định sản xuất, vùng phát triển sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh. Trong đó tập trung vào các khâu như: Giống có chất lượng, năng suất cao, quá trình chăm sóc, nuôi trồng, áp dụng những biện pháp tưới nước tiết kiệm, thông minh và đặc biệt là việc quản trị kinh doanh được số hóa.
Cao Bằng vốn đã nổi tiếng với nhiều nông sản được ưa chuộng như lê vàng Đông Khê, miến dong Nguyên Bình, cam quýt Trà Lĩnh, hạt dẻ Trùng Khánh, thạch đen Thạch An,... cùng thế mạnh từ diện tích 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp hằng năm, duy trì và sử dụng hiệu quả 30.000 ha đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, quy hoạch các vùng trọng điểm trồng lúa chất lượng cao (Japonica), lúa đặc sản (Pì Pất, nếp Hương, nếp Ong).
Các địa phương trong vùng tiếp tục phát triển các loại cây công nghiệp như thuốc lá, sắn, lạc, mía… trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Cao Bằng đã đem lại hiệu quả thiết thực, ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội trong việc nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của sản phẩm, là chìa khóa quyết định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Giờ đây tại Cao Bằng, càng nhiều dự án rau an toàn tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; cấy mô trồng Thạch hộc, rau hoa, chanh leo bằng phương pháp vòm che, tưới nhỏ giọt, trồng trong nhà màng có thể điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, kiểm soát sâu bệnh; hay các mô hình chăn nuôi lợn giống, lợn thịt theo tiêu chuẩn công nghiệp và hữu cơ; bước đầu áp dụng công nghệ tự động, giám sát, giúp cây trồng, vật nuôi phát triển an toàn với năng suất, chất lượng cao hơn. Hiện Cao Bằng đã có nhiều cây trồng đạt giá trị cao, tiêu biểu như chanh leo đạt trên 160 triệu đồng/ha, gừng hữu cơ trên 140 triệu đồng/ha... nâng cao thu nhập, bình quân 40 triệu đồng/ha/năm.
Đáng chú ý, Đề án phát triển cây lê giai đoạn 2021 - 2025 đang được các huyện: Hòa An, Thạch An, Nguyên Bình xây dựng thành vùng trồng tập trung với quy mô 240 ha. Để thực hiện đề án, mỗi xã trong vùng sản xuất tập trung được hỗ trợ thành lập 1 HTX hoặc tổ hợp tác sản xuất đảm bảo các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; xây dựng 1 vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen và nhân giống; hệ thống tưới tiêu, nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lê theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ cho 3.000 lượt người dân trong vùng sản xuất; thực hiện cấp mã số vùng trồng, mã QR code trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng ít nhất 1 mô hình du lịch NN gắn với các lễ hội tại địa phương… Tổng kinh phí thực hiện đề án 14,7 tỷ đồng.
Về chăn nuôi, Cao Bằng cũng chủ trương tập trung phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm đa dạng hóa vật nuôi, triển khai các giải pháp chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chăn nuôi và xây dựng nhà máy chế biến sữa công nghệ cao; khuyến khích đầu tư phát triển đàn trâu, bò thịt quy mô hộ gia đình, trang trại; thu hút các dự án đầu tư phát triển đàn lợn nái, lợn thịt theo hướng chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 10.000 con.
Hình thành các khu, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là các dự án Trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa; chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng. Tiếp tục thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Để giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân. Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm các huyện, thành phố chỉ đạo các khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trung bình hằng năm, tỉnh triển khai 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại các xã để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn kết hợp các hình thức thông tin tuyên truyền, in ấn xuất bản các tài liệu khoa học kỹ thuật, lịch khoa học.
Hòa An