Không ít tồn tại, hạn chế

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh - Tổ trưởng Tổ công tác Triển khai Đề án 06 của tỉnh vừa ký ban hành Báo cáo Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong báo cáo này là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ngay từ cuối tháng 10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2774 triển khai thi hành Nghị định số 59 ngày 05/9/2022 của Chính phủ về định danh và xác thực hiện tử. Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và sự đồng thuận , tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID. 

Cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận được sự ủng hộ nhất định của người dân.

Định danh 1.jpg
Cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: B.M

Qua đó đã gia tăng tỷ lệ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng ứng dụng VNeID đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thông báo lưu trú trực tuyến, gửi phản ánh, kiến nghị về an ninh trật tự khi có yêu cầu…

Tuy nhiên, quá trình triển khai việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử đã xuất hiện không ít tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, đa số người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới sử dụng SIM chỉ để vào mạng (gọi là SIM bùm), loại sim này có đặc điểm là chỉ sử dụng được tối đa 12 tháng. Bên cạnh đó, nhiều người dân sử dụng SIM “không chính chủ” - không chuẩn hoá thông tin cá nhân, sau ngày 31/3/2023 đã bị các nhà mạng khoá và thu hồi. Do trước kia người dân đã dùng những SIM này để đăng ký tài khoản định danh điện tử nên đến khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử lại phải sử dụng số điện thoại mới, phải thực hiện thao tác thay đổi số điện thoại, dẫn đến chậm tiến độ kích hoạt.

Một bất cập khác là phần mềm thường xuyên bị lỗi khi truyền hồ sơ hoặc trong quá trình xử lý nên một số hồ sơ không được xử lý phải thu nhận lại. Nhiều tài khoản chậm được phê duyệt mức độ 2 hoặc không được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử của người dân.

Những “chiêu thức” gỡ khó

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng thẳng thắn đánh giá, công tác tuyên truyền về lợi ích của tài khoản định danh điện tử đã được đẩy mạnh song vẫn chưa được nhiều người dân quan tâm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng đồi, núi cao vẫn chưa hiểu rõ về những lợi ích tài khoản định danh điện tử đem lại nên không chủ động đến cơ quan Công an để đăng ký.

Nhiều địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong công tác huy động các lực lượng phối hợp cùng lực lượng công an hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Mặt khác, ứng dụng VNeID chưa thật sự hoàn thiện, chưa bổ sung các chức năng cần thiết đáp ứng các nhu cầu trong đời sống, sinh hoạt, học tập… để thu hút người dân tự cài đặt, đăng ký sử dụng như các ứng dụng Zalo, Facebook…

Định danh 2.jpg
Nhiều giải pháp đã được triển khai để tăng nhanh tỷ lệ người dân ở tỉnh Cao Bằng đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Ảnh: B.M

Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, qua đó tăng nhanh tỷ lệ người dân ở tỉnh Cao Bằng đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông khuyến khích nhà mạng hoàn thành việc phủ sóng Internet đến 100% địa bàn cấp xóm trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục thực hiện kế hoạch phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của tài khoản định danh điện tử; tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử tại nhà đối với công dân chưa đăng ký và hỗ trợ hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân đã đăng ký.

Cùng với đó, thường xuyên triển khai những đợt thi đua, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Ngoài ra cũng huy động nguồn lực xã hội, sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông trong việc trao tặng smartphone, SIM điện thoại kèm các gói cước khuyến mãi để kích cầu người dân kích hoạt tài khoản.

Đặc biệt, chính quyền địa phương đã đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người dân trong việc mở tài khoản và ưu đãi các loại phí sử dụng dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mọi người dân được hưởng các lợi ích từ Đề án 06.

Các giải pháp được triển khai đồng bộ đã đẩy mạnh tiến độ công tác thu nhận hồ sơ, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Ngày 25/8/2023, Công an tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và là tỉnh đứng thứ 19 trên toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu này.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 278.698 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt được 245.710/228.984 tài khoản định danh điện tử, đạt tỉ lệ 107,3%.

Bình Minh