Tỉnh Cao Bằng đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Phấn đấu có thêm ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên
Thông qua chương trình, địa phương đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, được ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Với việc được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao) thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng đã ký kết hợp đồng với một số chuỗi siêu thị lớn như hệ thống siêu thị Winmart+, GO!, AEON và tham gia thị trường tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng.
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng đã có thương hiệu, chỗ đứng ở thị trường trong nước. Nổi bật như: lạp Sườn, thịt hun khói của HTX Tâm Hòa; miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; Gạo nếp hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm; Gạo nếp Ong Trùng Khánh của Công ty cổ phần phát triển xây dựng Cao Bằng, các sản phẩm bún khô của HTX nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo…
Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP
Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Cùng với đó, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ...
Cao Bằng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; đồng thời, tiến hành thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP; nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc trưng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp…