Nếu các gia đình làm không đúng qui trình và cách thức, việc tích thực phẩm sạch trong tủ lạnh vô tình trở thành ổ cho vi khuẩn phát triển.
Đó là một thực tế đang diễn ra hàng ngày ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung. Đây là một nhu cầu chính đáng của không ít người, nhằm phòng tránh những tác hại của thực phẩm bẩn khi các bà nội trợ “hoa mắt” không biết chọn gì cho bữa ăn trong gia đình.
Điều này được thể hiện rất rõ không chỉ ngoài đời sống, mà ngay cả trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều các fanpage và cá nhân bán thực phẩm sạch ở quê. Thậm chí nhiều người còn cất công đi về những vùng cao, tìm mua cả một con lợn rồi góp tiền mổ chung tích tủ lạnh ăn dần. Cũng giống như thịt lợn các loại thực phẩm khác như gà, cá, trứng, bò, rau, củ quả… có nguồn gốc từ các tỉnh lẻ cũng được giao bán khá nhiều.
Chị Lan Hương, một người đã nhiều năm cung cấp thực phẩm sạch được gửi từ quê ra cho các gia đình ở Hà Nội cho biết, bán thực phẩm sạch giờ là công việc chính của chị và mục đích là giúp các gia đình không tiếp cận được với nguồn thực phẩm sạch, nhưng vẫn có thực phẩm sạch để sử dụng.
“Nói thực phẩm sạch thì nó phải sạch thật sự, chứ không phải theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, hàng tuần tôi phải đích thân về nơi cung cấp thực phẩm cho mình, chọn từ con cá, mớ rau cho khách, có như vậy khách hàng mới tin tưởng và sử dụng thực phẩm sạch của mình”, chị Lan Hương chia sẻ.
Mỗi tháng chị Thu về quê 2-3 lần để nhập thực phẩm sạch xuống Hà Nội ăn dần. |
Đối với những người bán hàng là vậy, còn chị Hoàng Thị Minh Thu (Nam Từ Liêm – Hà Nội, quê ở Phú Thọ) cho biết: “Thật sự tôi không tin tưởng những người bán thực phẩm, kể cả là họ rao bán thực phẩm sạch được chuyển đến từ nơi nọ, nơi kia…
Bởi vậy, cứ 10 ngày hoặc nửa tháng tôi lại về quê lấy thức ăn một lần, đồ ăn tôi lấy chủ yếu là thịt lợn, thịt bò, cá, trứng, thịt gà và các loại rau. Nói thật với bạn, kể từ khi ra trường, thuê phòng trọ ở ngoài và nấu ăn rất hiếm khi tôi mua thịt cá ở chợ Hà Nội”.
Theo chia sẻ của chị Thu, những đồ ăn chị lấy từ quê mang xuống đều được chế biến sẵn, cắt thành từng túi nhỏ vừa bữa và tích trong ngăn đá tủ lạnh, khi nào ăn thì mới bỏ ra. “Qủa thật đồ ăn trong tủ lạnh sẽ không ngon bằng đồ ăn tươi sống, nhưng phải chấp nhận vì thực phẩm ở Hà Nội bây giờ quá sợ, không dám ăn”, chị Thu nói.
Thực tế, cách làm và suy nghĩ của chị Thu cũng là cách làm và suy nghĩ của rất nhiều người trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, liệu đó có phải là cách làm an toàn và hợp lý cho các bữa ăn hàng ngày?
Biết cách sơ chế thì tích trữ được cả tháng
Đó là nhận định của các chuyên gia về trào lưu tích thực phẩm quê trong tủ lạnh ăn dần. Theo Ths.BS Lê Thị Hải – nguyên GĐ Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, thực phẩm ở quê tích trong tủ lạnh ăn dần không phải là ít, hiện nay có rất nhiều gia đình ở nông thôn nuôi lợn riêng không cho ăn cám để mổ và những người trong gia đình chia nhau ăn.
“Gia đình tôi cũng vậy, tôi mua nguyên một chiếc tủ cấp đông để chuyển đồ ăn ở quê lên dùng dần”, Ths Hải cho biết.
Nói về thời gian tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh, BS Hải cho biết, điều quan trọng nhất là khi đưa thực phẩm vào cấp đông, thì thực phẩm đó phải là sạch, nếu thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn thì có đông đá cũng không tốt. Còn đối với rau quả, thịt…phải sơ chế sạch sau đó bảo quản thì mới an toàn.
Thịt lợn sạch phải chia túi nhỏ vừa bữa rồi bảo quản, chứ không nên bảo quản cả tảng thịt. |
“Riêng các loại rau lá thì để được 2 ngày, rau củ có thể được được 1 tuần và phải bảo quản bằng các túi chuyên dụng có lỗ thông khí, và sắp xếp đồ trong thủ phải hợp lý, nếu không tủ lạnh sẽ thành 1 ổ chứa vi khuẩn.
Đối với thịt cá, có thể để ngăn đá được 1-2 tháng, nhưng điều quan trọng là phải chia nhỏ theo từng bữa, nếu cứ để cả tảng, mỗi lần ăn lại mang đi rã đông thì thực phẩm sẽ bị vi khuẩn thâm nhập và có nguy cơ ngộ độc”, BS Hải hướng dẫn..
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Duệ (nguyên GĐ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, để cấp đông thực phẩm được lâu thì khi vận chuyển thực phẩm từ nơi này đi nơi khác thực phẩm phải luôn được bảo quản lạnh đúng cách. Còn nếu đã rã đông và cấp đông lạnh lại thì vi khuẩn sẽ thâm nhập và gây nguy hiểm khi sử dụng.
“Ví dụ, một người mổ lợn sạch cách nơi ở 15km, mổ xong vận chuyển về nhà mới cấp đông là không đúng. Theo đó, sau khi mổ xong phải sơ chế và cấp đông ngay, sau khi cấp đông, khi vận chuyển cũng cần bảo quản trong thùng chuyên dụng và cho thêm đá vào, để khi đến điểm tiếp theo chưa bị rã đông và tiếp tục được cấp đông tiếp”, PGS Duệ cho biết.
(Theo Khám phá)