- “Theo quy định tại điều 105 BLTTHS, trong trường hợp bà D. hoặc người đại diện không yêu cầu khởi tố thì CQĐT sẽ không có căn cứ khởi tố vụ án”, lời luật sư Thơm.
Không mong muốn tước đoạt tính mạng chị gái?
Trao đổi với VietNamNet, sáng ngày 4/1, lãnh đạo Công an quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa khởi tố bị can đối với Trần Tuấn Khương, người bị xác định đã gây thương tích cho chị gái đang lâm trọng bệnh.
Theo thông tin từ phía công an, gia đình bà D. có 4 anh chị em. Bà D. là người con thứ ba trong gia đình, còn Trần Tuấn Khương (SN 1971) là cậu em út, chưa có TATS, xét nghiệm có dương tính với ma túy.
Trần Tuấn Khương tại cơ quan điều tra (Ảnh: Tiền phong) |
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Pháp luật buộc Khương phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân nạn nhân là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bà D. nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo ông Thơm, tuy Khương không mong muốn tước đoạt tính mạng nhưng vẫn làm bừa (do mê tín hoặc do ảo giác ma túy), cứa chân bà D. thì về nguyên tắc hậu quả đến đâu xử lý đến đó.
Trong trường này bà D. bị thương tích thì Khương sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội danh và hình phạt được qui định tại điều 104 BLHS.
Mặt khác, hành vi của Khương dùng dao là loại hung khí nguy hiểm tác động (cứa) vào phần chân của nạn nhân cũng không phải là vùng trọng yếu trên cơ thể nên khả năng tử vong của bà D. là rất khó xảy ra.
Bên cạnh đó, sự việc xảy ra tại Bệnh viện thì việc kịp cứu chữa sẽ kịp thời.
Động cơ mục đích phạm tội của Khương không mong muốn tước đoạt tính mạng bà D. mà là do mê tín hoặc do ảo giác ma túy (nếu có) nhằm mục đích giải thoát cơn đau cho bà D. đang trong tình trạng vật vã, kêu gào do bị trọng bệnh.
Ông Thơm đưa ra quan điểm: “Nếu CQĐT khởi tố Khương về hành vi Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo điều 104 BLHS thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo điều 105 BLTTHS.
Nghĩa là bà D. hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn yêu cầu khởi tố Khương.
Việc Giám định tỷ lệ thương tật của bà D. quyết định Khương sẽ bị khởi tố khoản nào theo điều 104 BLHS.
Theo quy định tại điều 105 BLTTHS, trong trường hợp bà D. hoặc người đại diện không yêu cầu khởi tố thì CQĐT sẽ không có căn cứ khởi tố vụ án.”
Hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân
Bố mẹ già đau yếu, bản thân bà D. bị ung thư di căn, cậu em út mắc nghiện cũng luôn tỏ ra yêu thương chị. Chứng kiến cảnh chị gái đau đớn trên giường bệnh, đứa em trai đã có hành động đáng trách.
Nạn nhân đang được nằm điều trị trong bệnh viện. |
Từ nhiều tháng nay, sau khi phát hiện mình có khối u tử cung, bà D. được gia đình đưa đi chữa trị ở Bệnh viện Đại học y, Hà Nội.
Tuy nhiên sau đó khối u đã di căn sang nhiều phần khác trên cơ thể và cuối cùng di căn lên não. Gia đình bà D. tiếp tục đưa bà đến điều trị ở Bệnh viện Sanh Pôn, Hà Nội.
Căn bệnh ung thư đã khiến bà D. phải chịu nhiều đau đớn, thường xuyên kêu rên, gia đình bà phải thay nhau cắt cử người trông nom bà.
Trong khi đó, cha mẹ bà D. cũng đã già yếu, mẹ già của bà D. cũng mới phải đi viện trị bệnh.
Cô con gái ngoài 20 tuổi của bà D. thường xuyên bên giường bệnh bóp chân, tay để mong mẹ bớt đi những đau đớn.
Rạng sáng ngày 2/1, có hai người thân túc trực để chăm sóc bà D. là cô con gái và cậu em trai tên Khương. Dù cả hai thay nhau bóp chân tay cho người bệnh nhưng cũng không thể giúp bà D. xua đi những đau đớn.
Đến 3 giờ sáng cùng ngày, con gái bà D. và Khương đã bắt đầu thấm mệt.
Phải chứng kiến chị mình rên la đau đớn và nói nhảm về việc có “con ma” trong cơ thể đang hành hạ chị, Khương đã dùng dao cắt chân chị.
Tại cơ quan công an, anh ta lý giải cho hành động của mình là để máu chảy ra, sẽ đuổi được “con ma” đang nương vào cơ thể và hành hạ chị mình.
Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106,
108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố
khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị
hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. |
T.Nhung