Từ đầu mùa nắng nóng tới nay, tại các tỉnh phía Bắc, ngành điện bắt đầu cắt điện luân phiên để giảm tải. Các nhà máy, các KCN “toát mồ hôi” đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn, phá vỡ chuỗi sản xuất.
Đột ngột cắt điện, các doanh nghiệp khiếu nại
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, ngày 18/5, Công ty Điện lực Hải Phòng đã gửi tin nhắn tới một số KCN trên địa bàn thành phố để thông báo sẽ cắt điện từ 12h30' đến 16h chiều.
Sẽ không có gì đáng nói nếu tin nhắn này được phát đi sớm, đủ thời gian để doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh sản xuất. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tin nhắn này chỉ được phát đi trước khi cắt điện chừng 1 giờ đồng hồ, khiến họ rơi vào thế bị động.
Sau đó một ngày, Điện lực Hải Phòng mới gửi văn bản thông báo chính thức.
Trước tình huống này, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài trong KCN VSIP Hải Phòng ngày 30/5 đã kiến nghị lên Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Sở Công Thương TP. Hải Phòng, về việc ngưng cấp điện đột ngột khiến họ bị thiệt hại.
Văn bản viết: “Sự cố cắt điện ngày 18/5 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp”.
Các doanh nghiệp viện dẫn hai lý do để yêu cầu ngành điện phải xem xét lại trách nhiệm.
Cụ thể, thời gian thông báo cắt điện quá gấp, không đủ độ giãn để khách hàng kịp điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Thời gian cắt điện và đóng điện trở lại không sát với thực tế, chậm hơn từ 40 đến 50 phút so với thông báo dự kiến.
Do đó, 15 doanh nghiệp này cùng kiến nghị các ngành chức năng điều tra nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời, tránh xảy ra các sự cố tương tự trong tương lai. Trường hợp cần thiết, phải sa thải phụ tải, ngành điện phải xây dựng kế hoạch sát với thực tế, thông báo với khách hàng trước 24h theo quy định.
Các doanh nghiệp ở địa phương này cũng đề nghị ngành điện tăng cường bảo hành, bảo dưỡng hệ thống điện vào các ngày nghỉ, dịp lễ,... để đảm bảo vận hành an toàn.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực TP báo cáo, trả lời rõ về sự cố điện ngày 18/5.
Trong văn bản gửi các doanh nghiệp trong KCN VSIP, Điện lực Hải Phòng mong 15 doanh nghiệp bị thiệt hại do cắt điện đột ngột ngày 18/5 chia sẻ, đồng cảm. Lý do là bởi “nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng, nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất cao. Nhiều đường dây, trạm biến áp phải vận hành đầy tải, quá tải vào giờ cao điểm dẫn tới xảy ra một số sự cố trên lưới điện... ".
Doanh nghiệp phập phồng lo cắt điện
Trong một thông báo về lịch cắt điện luân phiên gửi tới khách hàng, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cho hay lịch sản xuất trong KCN và các nhà máy đang được ưu tiên đặc biệt. Nếu buộc phải cắt điện, cũng sẽ điều tiết tối đa để hạn chế thiệt hại cho sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng vẫn lo lắng, bởi sự cầm cự này chỉ mang tính tạm thời. Họ lo sợ tới đây việc các nhà máy bị cắt điện sẽ khó tránh khỏi.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Đỏ (Hải Phòng), cho hay: Doanh nghiệp ông và KCN Nam Đình Vũ dù chưa phải đối mặt với việc mất điện song ông không khỏi lo lắng tình trạng này khó mà duy trì được lâu.
“Ngành điện Hải Phòng đang tính toán để cấp điện hợp lý cho các nhà máy sản xuất, với tiêu chí ưu tiên số 1. Nhưng nếu xảy ra mất điện thì rất nguy hiểm. Các chủ doanh nghiệp đều lo ngại khi tới lượt mình bị ngưng cấp điện sẽ ảnh hưởng lớn, vì khi đó không thể tiếp tục sản xuất, ngoài việc ảnh hưởng đến công nhân sẽ bị chậm đơn hàng, bị đối tác phạt hoặc sẽ mất khách", ông Thắng nói.
Đặc biệt, theo ông, với ngành đặc thù như luyện kim trong lĩnh vực nấu phôi nhôm, thép hay quặng, khi mất điện, dù chỉ 1 giờ thì lò sẽ tắt. Để khởi động lò trở lại, doanh nghiệp phải tốn tới hàng trăm tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, cũng thông tin, các nhà máy trong KCN của ông đang tâm trạng thấp thỏm lo lắng. Đó là bởi trong KCN của ông chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, nếu cắt điện sẽ khiến chuỗi sản xuất hàng đi quốc tế của họ thiệt hại lớn.