“Cậu ấm, con trưởng”… là các danh từ riêng từ lâu xã hội ám chỉ các DNNN được ưu đãi, nâng đỡ, bởi vị thế trụ cột của nó trong nền kinh tế.

I - Đây chả phải là tên một bộ phim sến, hay một ca khúc tình yêu đôi lứa.  Mà là trạng thái tâm lý của xã hội tuần qua, trước những thông tin kinh tế của nước Việt. Sau những ngỡ ngàng nghe tin Campuchia đã sản xuất được ô tô chạy điện, tuần này, lại là câu chuyện nông nghiệp “Khi VN loay hoay, CPC đã âm thầm tiến”.

Mà đúng là nông nghiệp CPC đang âm thầm… gặt hái. Cho dù VN, với hạt gạo làng ta, suốt ¼ thế kỷ qua, ổn định tại 10 thị trường chính, nhưng vẫn là những quốc gia thu nhập trung bình và thấp, chưa với tới được các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy mà có lúc VN đã rất đỗi tự hào. Còn CPC, 3 - 4 năm qua, đã nhanh chóng có chiến lược và xâm nhập những thị trường khó tính bậc nhất này.  Không những vậy, cùng phẩm cấp gạo và thời điểm bán, gạo CPC luôn có giá bán cao hơn gạo VN từ 30 - 50 USD/tấn. (Tuần Việt Nam, ngày 30/7)

Đó là gì nếu không phải là sự thành công của chính sách và cung cách quản lý của CPC?

Chính sách phát triển, cung cách quản lý là hai yếu tố căn cốt quyết định sự thành bại của nền kinh tế. Nó đòi hỏi một tư duy kinh tế khoa học, hợp lý, văn minh để ra đời những quyết sách có ý nghĩa đòn bẩy kích thích sự phát triển của xã hội. Nhưng xã hội sẽ nghĩ gì, khi nghe kết quả kiểm toán mới đây của cơ quan Kiểm toán Nhà nước công bố các sai phạm của “nhiều ông lớn Nhà nước”- những DNNN của nước Việt?

{keywords}

“Cậu ấm, con trưởng”… là các danh từ riêng từ lâu xã hội ám chỉ các DNNN được ưu đãi, nâng đỡ, bởi vị thế trụ cột của nó trong nền kinh tế. Thế nhưng, liệu có phải từ tư duy kinh tế quản lý, mà các DNNN này như “cây gậy” được quá chiều chuộng, khiến cho tự lúc nào, hoạt động và hiệu quả kinh doanh của nó giống một bài… đồng dao: “DN to làm ăn nhỏ/ Năng lực nhỏ hưởng lương to/ Đầu tư to đóng góp nhỏ/ Sản phẩm nhỏ sai phạm to…

Tại hội thảo “Phát huy vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, ngày 6/6/, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế TƯ nói thẳng: Năng suất lao động, kinh doanh của khối các DNNN còn thấp. Hiệu quả đóng góp chưa tương xứng với nguồn lực. DNNN hiện đang sử dụng 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp… 32% tổng GDP cả nước (Gafin.vn, ngày 06/6).

Trong khi đó, kết quả của Kiểm toán NN công bố công khai mới đây cho thấy những con số ấn tượng không kém.

Trong số 242 đơn vị thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán, hầu hết đều phản ánh không đúng doanh thu. Tỷ như Tập đoàn điện lực VN (EVN). Đầu tư vượt mức vốn điều lệ 21.312 tỷ đồng, trong khi hiệu quả rất thấp. Quản lý vốn cuả các DN không chặt chẽ, dẫn tới nợ quá hạn, khó đòi. Như nợ quá hạn của Tổng CT điện lực dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) lên tới 9.650 tỷ đồng. Một số đơn vị khác số nợ lớn, ít nhất cũng gần 500 tỷ đồng, nhiều nhất gần 2400 tỷ đồng.

Đặc biệt, nợ xấu (nợ khó đòi) toàn hệ thống tăng nhanh theo… thời gian. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2012 của các ngân hàng thương mại đều tăng so với 31/1/2011. Đến 30/6/2013, tỷ lệ nợ xấu của 2/3 NHTM tiếp tục tăng so với thời điểm 31/12/2012. Nếu tính cả nợ được cơ cấu lại (theo QĐ 780 ngày ngày 23/4/2012) thì tới 2/3 NHTM có tỷ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn theo quy định của NHNN (VTV News, ngày 25/7).  Rõ là các DNNN đang tiếp tục tiến lên kiểu phú quý giật lùi.

Đáng buồn, các công ty con (do các DNNN thành lập ra) cũng kế thừa cái “gien” thua lỗ của công ty mẹ. Khiến các DNNN này trót đâm lao phải theo lao. Mặt khác, “bản tính” làm ăn của các DNNN ở góc độ nào đó, không chỉ phản ánh tính cách người Việt, mà còn phản ánh tư duy và quản lý Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận xét, sự liên kết giữa các DN rất khó thực hiện, vì môi trường kinh doanh ngay từ đầu đã thiếu công bằng, sòng phẳng. Trong khi lẽ ra, hoạt động kinh doanh đòi hỏi các DNNN liên kết với các DN vừa và nhỏ như những vệ tinh, thì ngược lại, các DNNN hoạt động theo kiểu khép kín. Khi cần thiết, mở thêm các công ty con.

Đến khi các công ty con thua lỗ, các DNNN rơi vào cảnh cá chuối đắm đuối vì con. Nhưng vì con cũng là vì lợi ích của mẹ, vì cái “lỗ” của công ty mẹ đã có… Nhà nước lấp?

Kinh doanh vốn luôn là lĩnh vực khó khăn, đòi hỏi tài năng DN phải nhạy bén với nhiệt độ lên xuống thất thường của thị trường, để có những quyết sách kịp thời, vừa làm ra lãi, vừa không sai phạm theo quy định pháp luật. Thế nhưng những con số tiền tỷ của nợ xấu, nợ khó đòi, của báo cáo không trung thực trong doanh thu, cho thấy cung cách làm ăn đó là gì? Nếu không phải là hệ lụy do tư duy kinh tế thủ cựu, xơ cứng. Do quản lý Nhà nước lỏng lẻo, khiến các DN sử dụng tiền đầu tư kiểu… tiền chùa?

{keywords}

Nếu không phải là tâm lý ỉ lại vào vị thế “chủ đạo” nền kinh tế Nhà nước, làm bừa, làm ẩu, bất kể hậu quả ra sao? Sự “chủ đạo” kiểu này sẽ dẫn dắt nền kinh tế đất nước đi đến đâu? Mới đây, tại phiên họp CP thường kỳ, Thủ tướng CP đã phát biểu, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh, bình đẳng của cơ chế thị trường (PLT/P.HCM, ngày 31/7).

Nhưng hiện tại, cung cách quản lý vừa lỏng lẻo, vừa chồng chéo kỳ lạ đã dẫn những chuyện hài hước mà một DN vừa “tố khổ” tại Hội thảo Dự báo tác động của Luật DN sửa đổi. Đó là một chiếc xúc xích tới 07 bộ quản lý: Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính (cùng với Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan), Khoa học Công nghệ và cả bộ Công an nữa. Đến nỗi, DN “xúc xích” kêu lên là không thể… thở được. Chỉ mong Luật DN được sửa đổi để họ có thể bình an làm ăn, giữ được nhiệt huyết cống hiến cho đất nước.

Luật DN chưa biết sẽ sửa theo cách nào? Giữa lúc đó mới đây, ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà am hiểu luật pháp đang rất lo ngại, liên tục kiến nghị “cần bỏ cơ chế Bộ chủ quản DNNN”

Kiến nghị này xuất phát từ một hiện tượng “gió đổi chiều” rất bất ngờ. Đó là Dự Luật DN đầu năm 2014, Điều 172 vừa hé ra điểm mới tiến bộ mang tính đột phá về mặt quản lý- tách bạch vai trò chủ sở hữu với quản lý Nhà nước của các bộ chủ quản. Vậy mà, chả hiểu thế nào, qua nhiều lần thảo luận đề xuất, nay mai, nếu dự luật được thông qua, các DNNN lại nghiễm nhiên biến thành… sân sau của các bộ.

Bình luận về “làn gió mới” này, Luật gia Vũ Xuân Tiền nói thẳng: Bỏ Điều 172, các bộ chủ quản lại tiếp tục vừa đóng vai trò chủ sở hữu, vừa đóng vai trò quản lý Nhà nước. Nghĩa là vẫn vừa đá bóng vừa thổi còi. Cơ chế này đi thụt lùi, biến DNNN thành sân sau của các bộ, tạo nguy cơ sinh ra lợi ích nhóm rất kinh khủng.

Lợi ích vốn hữu hình, lợi ích nhóm thì vô hình. Nếu vậy, các DNNN tiếp tục hiện hình… thua lỗ và tụt hậu?

                                                      **************

II- Trong khi các DNNN làm ăn bết bát, và nếu Điều 172 của Dự thảo Luật DN có nguy cơ bị xóa bỏ, rút cục mọi chuyện sẽ lại …Nguyễn Y Vân, thì ở bên mặt kia, các DN tư nhân ra sao?

Đối lập với những cái tên gọi đáng thèm muốn: “Ông lớn, con trưởng, cậu ấm” của các DNNN, các DNTN có những tên gọi rất tủi thân: “Con nuôi, con rơi, đứa con bị hắt hủi…”. Và sự ăn nên làm ra của đứa con này cũng không ăn nên làm ra lắm. Thậm chí đáng buồn.

Mới đây, kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đưa ra con số giật mình: Trong 10 năm từ 2002-2012, mặc dù số lượng DNTN nhiều lên nhưng quy mô của DN lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân. DNTN từ chỗ đóng góp 15,5% vào GDP năm 2002, năm 2012 con số này chỉ còn 11%. Cũng là một kiểu phú quý giật lùi.

Vì sao vậy? Vì sao sau công cuộc đổi mới, những năm 90, đã có lúc DNTN khởi sắc. Niềm hy vọng vào một sự thay đổi diện mạo kinh tế, từ cách tư duy, tổ chức đến vận hành đã từng khiến tâm lý xã hội lúc đó lạc quan, hy vọng.

{keywords}

Quan sát thực tiễn đường đi nước bước của các DNTN, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý xã hội nhận ra những yếu kém của loại hình này, đặt trong bối cảnh xã hội mà kinh tế thị trường ở VN cũng còn tìm tòi cả lý luận, các chế định, quy phạm pháp luật còn đầy hạn chế, khiếm khuyết, mang tính chủ quan của ý thức hệ.

Đó là đặc điểm tư duy tiểu nông và lối làm ăn sản xuất nhỏ của người Việt, thiếu chiến lược, chỉ ham muốn làm giàu nhanh. Điều này, phản ánh rất rõ trong thị trường bất động sản, hoặc chứng khoán- chỉ có các nhà đầu cơ, ít nhà đầu tư. Chỉ có kinh doanh kiểu ăn xổi ở thì, mì ăn liền, ít doanh nhân thực sự, làm ăn chuyên nghiệp.

Ở góc độ nào đó, vào thời điểm khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng quá cao khiến cho các DNTN đã không thể nào chịu nổi.

Sự nhập khẩu hàng hóa ồ ạt, mặt hàng phong phú, với giá khá rẻ so với các sản phẩm hàng hóa trong nước, mặt hàng đơn điệu, chất lượng còn kém, giá thành lại cao, khiến các DNTN thực sự điêu đứng.

Sức khỏe các DNTN vốn đã không khỏe, lại cùng đứng “đầu gió”, sánh vai với các DNNN vốn được ưu đãi, chiếm thế thượng phong, các DN có vốn nước ngoài (FDI) đầy kinh nghiệm làm ăn, vốn đầu tư phong phú, được khuyến khích, ưu tiên, trên cái sàn kinh doanh cạnh tranh không bình đẳng ngay từ đầu, thì các DNTN “nốc ao” là dễ hiểu.

Đã thế, các DNTN lại kinh doanh trong một môi trường xã hội mà cả tư duy kinh tế, lý luận kinh tế, lẫn luật pháp đều “nghiêng hết về bên anh”- DNNN. Những khó khăn trong làm ăn của họ, có những cái không phải do họ. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 15-7 vừa qua tại TPHCM đã phải “giật mình vì câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân VN dường như phải bắt đầu lại từ đầu, có quá nhiều thứ phải trở lại từ cơ bản”.

Theo bà, luật pháp VN không rõ ràng, kém minh bạch, khiến môi trường kinh doanh kém ổn định. Nhiều cơ quan chức năng không hiểu luật hoặc hiểu theo cách khác so với tinh thần của luật, do đó họ có quyền vận dụng khác đi, gây khó cho DN. Trong đó, cơ quan thuế bị kêu nhiều nhất.

Nói đến cơ quan thuế thì các DNTN… sợ hãi là phải.

Không sợ hãi sao được, khi mà mới đây, xếp hạng môi trường cạnh tranh của 189 nước năm 2014, do WB công bố, VN xếp thứ 99. Riêng chỉ số nộp thuế, đứng thứ 149/ 189. Để nộp thuế, DN phải mất hơn 800 giờ/năm. Cũng mới đây, làm việc với Tổng cục Thuế, người đứng đầu CP đã phải yêu cầu ngành này cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm một nửa thời gian và số lần nộp thuế, phục vụ DN và người dân. Bởi số thời gian dành cho nộp thuế quá cao, cao nhất so với nhiều nước, ngay khu vực ASEAN, TQ…

{keywords}

Các nhà quản lý xã hội, quản lý kinh tế sẽ nghĩ gì khi nhìn vào diện mạo kinh tế VN, nhìn vào số DN đóng cửa, ngừng hoạt động trong nửa đầu năm nay, được Tổng cục Thống kê ghi nhận: 33.454 DN, gần tương đương với số đăng ký thành lập mới là 37.315. Như vậy, đà phá sản của DN chưa dừng lại, và ước tính có khoảng 200.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong 04 năm gần đây (VietNamNet, ngày 27/7).

Đương nhiên trong kinh doanh, lỗ lãi, thành bại là chuyện thường tình. Nhưng hiện tượng đó sẽ không thể coi là thường tình, nếu như nó phụ thuộc quá nhiều vào tư duy kinh tế, vào các chính sách quản lý vĩ mô bất cập, không phù hợp quy luật thực tiễn và quy luật thị trường.

Để kết bài này, xin dẫn 02 nhận xét của hai quan chức khác nhau, nhưng nó vô tình bổ sung cho nhau, trước con đường đau khổ nhiều tập của DNTN.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Những năm 2002-2006, tinh thần khởi nghiệp của người dân, đặc biệt là những người trẻ rất “hồ hởi”. Nhưng rồi tinh thần đó cứ thui chột đi. Tại sao khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng không đáng kể, không lớn lên được. Hệ thống thể chế này không khuyến khích. Nhà nước chiếm hết cơ hội, Nhà nước hút toàn bộ nguồn lực về, sau đó chia theo nguyên tắc không có chi phí vốn. Rồi họ lại lập công ty con, công ty cháu. Tôi là người làm về chính sách mà không thấy có lối ra...”

Còn ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB: Một trong những chiến lược để khôi phục lại tốc độ tăng trưởng nhanh chính là tạo ra những điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân chính là động cơ của sự đổi mới, từ đó thúc đẩy năng suất và nâng cao hiệu quả.(TBKTSG, ngày 26/7)

Chỉ còn 06 năm nữa, VN sẽ cơ bản trở thành nước CNH, và sắp tới VN sẽ tham gia TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Nhưng kinh tế nước Việt với diện mạo đầy ám ảnh này về sự phát triển, sẽ ra sao?

Bỗng dưng… muốn khóc. Khi nhớ tới phát ngôn ấn tượng của tướng Lê Văn Cương: VN không  phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển!

Kỳ Duyên

Xem bài cùng tác giả


Vận mệnh nước Việt và lợi ích nhóm!

Những tuyến đường quốc lộ hỏng, lún, xuống cấp, và con đường lớn của nước Việt đứng trước vô vàn thử thách khắc nghiệt, đang cần gì?

Đại án, góc khuất và thách thức dân tộc

Quyền lực trong thời đại kim tiền luôn “cặp kè” với nguy cơ tha hóa. Sự tha hóa phẩm cách giờ không còn là chuyện riêng biệt, phạm vi một, hai cá nhân...