Người dân địa phương phát hiện cậu bé 11 tuổi trong tình trạng kiệt sức tại một đường hầm cao tốc ở Trung Quốc. Các nhân viên cảnh sát đến hiện trường và đưa cậu bé về đồn nghỉ ngơi. Họ phải bế cậu từ ô tô vào phòng vì cậu kiệt sức không thể đi bộ.
Cậu kể lại sự việc cho mọi người nghe. Họ ngạc nhiên khi biết cậu đã đạp xe gần 130km, suốt 22 tiếng, để đến nhà bà ngoại.
Cậu bé sinh sống cùng bố mẹ tại Hàng Châu, Chiết Giang. Sau khi cãi nhau với mẹ, cậu bé bỏ đi, một mình đạp xe đến nhà bà ngoại ở cách nhà khoảng 140km. Cậu bé muốn "mách tội" của mẹ với bà ngoại.
Trong suốt hành trình, cậu bé đi theo biển báo giao thông nhưng cũng nhiều lần bị nhầm đường. Cậu đạp xe suốt đêm, ăn bánh mì và nước đã chuẩn bị trước từ nhà, theo SCMP.
Khi được cảnh sát gọi điện báo tin, cả bố mẹ và bà đều đến đón cậu về nhà. Người mẹ có nghe con trai dọa sẽ đến nhà bà ngoại nhưng bà nghĩ đó "chỉ là lời nói bộc phát trong lúc tức giận".
Câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội xứ Trung thu hút nhiều sự chú ý. Một số bình luận thể hiện sự tò mò muốn xem việc làm của cậu đã kết thúc như thế nào.
"Tôi muốn biết cuối cùng bà và mẹ đã dạy dỗ cậu bé như thế nào"; "Chắc hẳn cậu cảm thấy rất tồi tệ sau cuộc cãi vã với mẹ"... người dùng mạng bình luận.
Một số bình luận cho rằng cậu bé rất "liều lĩnh và gan dạ" vì dám bỏ đi một mình, đạp xe xuyên đêm. "Tôi từng đòi bỏ nhà đi hồi bé, nhưng chẳng bao giờ đi quá xa", người dùng mạng bình luận.
Thời còn bé, không ít lần cha mẹ phải đối mặt với cảnh con trẻ định bỏ nhà ra đi. Nhiều phụ huynh coi đây chỉ là chuyện trẻ con nên thường không chú ý. Tuy nhiên, một số trường hợp, con trẻ "nói là làm", bỏ nhà đi luôn khiến các bậc phụ huynh được phen lo lắng.
Tháng trước, cảnh sát phát hiện một cậu bé 12 tuổi đến từ tỉnh Chiết Giang mang theo 4 thanh kiếm đồ chơi và 2 túi xách ở lối vào một đường cao tốc. Cậu bé đã rời nhà lúc 3h sáng và nói rằng bỏ đi để học võ thái cực quyền từ nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của Trung Quốc Zhang Tamfeng.
Làm gì để hàn gắn với con sau cơn cãi vã?
Cho cả bạn và con thời gian, không gian để bình tĩnh lại: Các cuộc tranh luận gây căng thẳng cho cả cha mẹ và con cái. Cả hai bên dễ trở nên xúc động, do vậy, rất cần không gian riêng để bình tĩnh, suy nghĩ lại.
Xin lỗi: Nói lời xin lỗi với con là một bước quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ, và cũng là một cơ hội để dạy con. Cha mẹ thể hiện sự sẵn sàng khiêm tốn và nói lời xin lỗi, sẽ giúp con noi gương theo.
Thay đổi hành vi: Một lời xin lỗi đi kèm với hành động thể hiện sự thay đổi sẽ chứng minh lòng chân thành và cầu tiến.
Lắng nghe nỗi buồn của con: Lắng nghe là một bước quan trọng giúp con xử lý cảm xúc. Đừng biện minh tại sao con lại làm điều gì đó. Đó là lúc cha mẹ nên ngồi lại và lắng nghe con nói.
Đừng quá khắt khe với bản thân: Hãy nhớ rằng, tất cả chúng ta đều là con người và ai cũng có lúc mất bình tĩnh. Các bậc cha mẹ đừng đổ lỗi cho bản thân quá nhiều, chỉ cần hiểu bản thân phải luôn nỗ lực hướng tới chuyện gắn kết với con.