Nếu là người sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, bạn hẳn đã nhìn thấy bức ảnh này.
Bạn đã nhìn thấy gương mặt này đâu đó, đúng không? Ảnh: Know Your Meme. |
Thực tế, người dùng Internet dù vô tình hay hữu ý, đều đã gặp phải anh chàng châu Á với biểu cảm “dở khóc dở cười” này một lần. Gương mặt đó là một trong những “meme”, có thể hiểu là hình ảnh kèm chú thích hài hước, lan truyền mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá mạng hiện nay.
Nằm trong danh sách những meme đời đầu ở Việt Nam, anh chàng với biểu cảm khó đỡ này được biết đến rộng rãi với biệt danh “Thánh Troll”.
Theo thời gian, mức độ phổ biến của “Thánh Troll” càng được mở rộng. Những người với đầu óc hài hước có thể nghĩ ra vô số câu chuyện và cảm xúc để gán ghép.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi anh chàng xui xẻo nào đã trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” của cộng đồng mạng như vậy? Hay ai đã sử dụng meme này lần đầu?
Từ một buổi họp báo
Ảnh hoạt hình trên được tạo ra và đăng tải bởi một người dùng Reddit từ tháng 7/2010. Ở thời điểm đó, tài khoản Downlow đã xuất bản một loạt những bức ảnh, nhưng chỉ có “Thánh Troll” là nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
Trong số những bình luận hồi đáp, tài khoản Alkalait đã đặt cho bức ảnh cái tên đầu tiên - “Bitch please”. Theo từ điển Urban Dictionary, từ lóng này có đến 15 nghĩa. Phần lớn đều chỉ thái độ không đồng tình một cách bất lực, như tiếng Việt hay nói “Thôi bỏ đi”.
Cuối tháng 8 cùng năm, meme này được cập nhật vào một chủ đề của tài khoản chuyên chế ảnh “f7u12”. Kể từ thời điểm đó, “Bitch Please” liên tục xuất hiện trong nhiều cuộc trò chuyện của Reddit. Mãi đến giữa năm 2011, nó mới bắt đầu lan truyền sang các nền tảng mạng xã hội khác như Tumblr, FunnyJunk hay Facebook.
Trong cùng chủ đề Reddit, tác giả Downlow xác nhận bản vẽ của anh được dựa trên ảnh chụp một video họp báo từ năm 2009. Trong đó, cầu thủ bóng rổ Yao Ming và Ron Artest gặp gỡ giới truyền thông sau trận playoff của Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA).
Gương mặt thực tế của Yao Ming trong buổi họp báo trông không khác mấy so với phiên bản vẽ lại. Ảnh: Sport Illustrated. |
Trả lời phỏng vấn, Ron Artest kể lại rằng lúc chiến thắng trận đấu, một người trong đám đông đã mời anh uống bia. Anh cho biết sẽ vui vẻ uống nó nếu không có máy ảnh xung quanh. Nghe thấy câu trả lời này từ đồng đội, Yao Ming đã cười lớn đến mức thu hút sự chú ý của Downlow.
Và đó là cách meme "Thánh Troll" ra đời. Gương mặt của Yao Ming cũng trở thành một trong những ảnh chế đầu tiên liên quan tới người nổi tiếng.
Yao Ming - Huyền thoại bóng rổ Trung Quốc
Sinh ngày 12/9/1980 tại Thượng Hải, Trung Quốc, Yao Ming là cầu thủ cao nhất từng chơi cho NBA (2,29 m) với cân nặng 141 kg. Dù đã đạt nhiều giải thưởng danh giá, song anh phải giã từ sự nghiệp vào năm 2011 vì chịu những chấn thương khác nhau.
Yao Ming là tuyển thủ cao nhất từng chơi tại NBA. Ảnh: Buzznick. |
Khi còn thi đấu, chiều cao của Yao Ming gây ấn tượng đến nỗi tuyển bóng rổ Mỹ từng cá cược triệu USD xem ai có thể dunk (úp rổ) trên đầu cầu thủ này. Anh chính là huyền thoại NBA xuất sắc nhất của bóng rổ Trung Quốc cho đến hiện tại.
Yao Ming đã từ bỏ việc học hành để tham gia con đường bóng rổ chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi. Vì vậy, khi giải nghệ, anh quyết định quay lại trường đại học để thực hiện lời hứa lúc trẻ với bố mẹ. Sau 7 năm dùi mài kinh sử, Yao Ming cũng đã tốt nghiệp vào năm ngoái ở độ tuổi 38.
Việc trở thành một trong những gương mặt được cộng đồng mạng nhận ra nhiều nhất có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của Yao Ming. Bởi trước đó, anh vốn đã nổi tiếng và có nhiều thành tựu riêng cho mình.
Cựu cầu thủ bóng rổ còn là đại sứ của Trung Quốc trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2022. Ảnh: SCMP. |
Tuy đã giải nghệ, cầu thủ bóng rổ này vẫn trở thành một phần của văn hoá đại chúng Trung Quốc. Anh từng xuất hiện trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic Mùa Đông 2022 với vai trò đại sứ hồi 2014. Năm đó, Bắc Kinh đã chiến thắng, trở thành thành phố duy nhất tổ chức cả thế vận hội mùa hè và mùa đông trong lịch sử.
Hiện nay, khi thế giới meme đã phát triển với nhiều trò vui mới, gương mặt hài hước của Yao Ming vẫn thuộc top những meme được sử dụng nhiều nhất trong 2 thập kỷ hoàng kim của Internet. Đối với cộng đồng mạng hiện nay, ở đâu có "đau khổ", ở đó vẫn sẽ có biểu cảm “dở khóc dở cười” của Yao Ming.