Aline Rebeaud có một ngã rẽ bất ngờ cách đây 25 năm khiến con đường của chị đi thật nhiều chông gai. Nhưng chị bảo, chị không bao giờ hối hận về quyết định này bởi chị đã được là mẹ của rất rất nhiều con trong Nhà May Mắn.

Aline Rebeaud tên thưởng gọi là Tim, chị đến từ Thụy Sĩ, mọi người gọi chị là TIM, với ý nghĩa Trái Tim, vì chị đã thực hiện thành công một dự án nhân đạo tuyệt vời: dựng nên Nhà May Mắn, Làng May Mắn, và Trung tâm Chắp cánh cho những người khuyết tật ở Việt Nam, mang lại cho họ một cuộc đời hoàn toàn mới. Tim đã viết lại cuốn sách kể câu chuyện của mình, của bao mảnh đời thiếu may mắn, bằng tình yêu, lòng vị tha chân thành. 

{keywords}
Tim trong buổi trò chuyện tại Hà Nội

Hẳn đất nước chúng tôi có sức hút mãnh liệt với chị lắm đúng không bởi một cô gái 20 tuổi, đang ở đất nước Thuỵ Sĩ nhiều điều kiện phát triển, chị lại quyết định ở Việt Nam?

- Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện như thế này. Năm tôi 10 tuổi, mẹ tôi dắt tôi đến thư viện. Mẹ để tôi ở khu vực sách thiếu nhi, còn mẹ sang khu sách người lớn. Nhưng tôi đã chạy sang khu sách của người lớn và ngồi bệt xuống đất ôm một cuốn sách đen trắng trong đó có hình ảnh của đất nước Việt Nam năm 1951.

16 tuổi tôi gặp một người đàn ông Việt Nam sống tại Thuỵ Sĩ. Anh ấy là nhạc sĩ, anh ấy kể về quê hương của mình và những món ăn hấp dẫn đến từ đất nước hình chữ S. Tôi mơ được đến Việt Nam một lần.

20 tuổi, sau khi đi qua Bắc Âu, Liên Xô, Mông Cổ và Trung Quốc bằng đủ loại phương tiện trừ máy bay, tôi đã đến Việt Nam.

Chị chỉ muốn đến Việt Nam một lần nhưng lý do gì mà chị gắn bó với Việt Nam suốt 25 năm qua và làm những việc phi thường như vậy?

- Đó quả là ngã rẽ định mệnh. Một đêm khuya trong con hẻm ở Sài Gòm đầu năm 1993. Tôi bắt gặp một cậu bé chừng 10 tuổi, đang ngồi cạnh đống rác trong tình trạng ốm yếu kiệt sức. Tôi mời cậu bé đi ăn và ngồi với cậu suốt 3 tiếng đồng hồ. Cậu không có giấy tờ tuỳ thân nên không thể về khách sạn ngủ cùng tôi được. Chúng tôi thuê căn nhà ngoại ô để ở. Rồi từ việc tôi có một cậu bé người Campuchia này đến những cô cậu khác đều không gia đình, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Khi con số tôi đón về ở lên tới 11 người, tôi biết mình sẽ tiếp tục nhận thêm nữa và nghĩ rằng, có lẽ cuộc đời mình gắn liền với những số phận như này.

Bởi lẽ, bạn trai đầu tiên của tôi là người không cha không mẹ, bạn ấy là trẻ mồ côi. Bạn trai thứ 2 của tôi là người khuyết tật. Số tôi sinh ra có lẽ gắn bó với những con người như thế.

{keywords}

Những người chị cưu mang, đã ai làm cho chị thất vọng về quyết định của mình?

- Có chứ, đó là một phụ nữ khi đã ly dị chồng đến với chúng tôi với 4 người con. Tôi tin tưởng chị tuyệt đối, giao nhà cho chị ấy đứng tên rồi đến một ngày, chị ấy đuổi tôi và lũ trẻ ra khỏi nhà khoá cửa lại,...Tôi tìm mọi cách và cuối cùng cũng lấy lại được. Qua sự việc này, tôi nhận ra một bài học quan trọng trong cuộc sống rằng ta có thể yêu thương mọi người nhưng đừng mù quáng tin tưởng vào ai.

Và lý do chị viết cuốn sách này để nói về tình yêu thương, niềm tin và sự cho đi nhận lại?

- Nhiều năm trước, khi cha tôi còn sống có đề nghị tôi viết một cuốn sách về Nhà May Mắn. Tôi thực sự không có thời gian và tôi cũng ngại, mới có chút tuổi như vậy viết sách dạy ai? Có người nói rằng tôi chỉ cần kể câu chuyện của mình cho biên tập viên, họ sẽ viết lại câu chuyện của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng, không gì bằng chính mình viết ra câu chuyện của mình.

Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc viết sách để truyền đi thông điệp yêu thương, một thông điệp mà tôi ấp ủ suốt cuộc đời mình, đến nhiều người. Và nếu tình yêu là một căn bệnh truyền nhiễm, hãy để nó lây sang trái tim của hàng triệu độc giả.

Không thể cứu tất cả mọi người, nhưng mình có thể giúp đỡ nhiều người tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Tình yêu thương là một món quà trời cho, mình cho đi mà cùng lúc được nhận hạnh phúc nhân đôi.

Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Tình Lê