Bà Lương Thị Ngọc Thư, vợ cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết hàng nghìn lá thư gửi chồng những năm lửa đạn. Bà đã cho in những lá thư ấy thành sách với mong muốn gửi một thông điệp đến lớp trẻ...
TIN BÀI KHÁCBắt được sư tử biển, đòi 20 triệu mới thả
Những địa điểm ăn chơi của các tỉ phú Ấn Độ
Nỗi khổ của 'máy bay bà già'
Chính xác bao lâu nữa mới có ngày tận thế?
Lá thư lạ nên duyên chồng vợ
Nghe tiếng chuông cửa reo vang, bỏ dở việc nhà, bà Thư nhanh nhẹn bước ra mở cửa đón khách lạ. Giọng nói trầm ấm, đôi mắt sáng và tinh nhanh như thời nào còn trẻ, bà Thư nhớ về ngày ấy...
Sinh ra ở Móng Cái (Quảng Ninh), là con thứ hai trong gia đình, bố mẹ đều là y tá, chiến tranh loạn lạc, gia đình bà phải chuyển về Hà Đông, rồi lại vào Thanh Hóa. Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, năm 1949, Thư xin bố mẹ xung phong đi dân công hỏa tuyến nhưng bố mẹ chưa đồng ý. Đúng lúc này, Bộ Y tế mở lớp y tá hộ sinh, Thư liền nộp đơn, cô được gọi vào nhập học ở trường đóng ngay tại Nam Đàn (Nghệ An). Tháng 12 năm 1952, Thư ra trường và được phân công về công tác tại trạm y tế Hà Đông. Tháng 10 năm 1953, bà hoạt động ở những vùng sau lưng địch. Cũng từ đây mở ra những ký ức đẹp như những câu chuyện cổ tích về chuyện tình và chuyện đời của bà với Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, người chồng yêu quý của bà.
Một ngày cuối đông năm 1953, bà Thư nhận được một lá thư lạ của chàng trai không quen có cái tên như con gái – Lê Ngọc Hiền từ Thanh Hóa gửi ra. Suốt cả ngày hôm đó, lòng Thư cứ nôn nao một cảm giác thật khó tả, hết đứng lại ngồi…
“Lá thư đầu tiên anh viết cho tôi, anh nói anh là bạn của anh Xuân, người yêu của Tố, bạn tôi. Hai người đã cho xem ảnh của tôi và hỏi anh có thích không. Thế rồi, anh mạnh dạn biên thư, sau khi đã đến nói chuyện xin phép bố mẹ tôi. Khi gặp anh, bố mẹ tôi cũng đã ưng và biên thư lại cho tôi để tôi... tìm hiểu anh trước" – bà kể. Thư đi thư lại nhưng vì hoàn cảnh mà họ chưa một lần hẹn gặp.
Bà Lương Thị Ngọc Thư và những lá thư kỉ vật |
Sau ngày cưới, Lê Ngọc Hiền tiếp tục ra chiến trường, gửi lại người vợ nơi hậu phương. Những lá thư của họ cứ thế được tiếp diễn, tái sinh lại cuộc sống sinh hoạt đời thường, những cuộc chiến nơi chiến trường khốc liệt…
Thư in thành sách
“Thư yêu quý! …Đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già, tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ vẫn còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này. Tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở. Thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó...” (Thư Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử gửi vợ viết ngày 15-5-1975). |
Sau ngày thống nhất đất nước, một số lá thư trong hơn nghìn lá thư bà Thư đã mang gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số còn lại được tập hợp thành quyển hồi ký: “Anh và Thư”. Bà bảo: “Chiến tranh đã lùi xa, tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng những giá trị của cuộc sống hiện tại”. Từ ý nghĩ đó, bà đã cho in những bức thư của mình thành sách. Những lúc ký́ ức ngày xưa chợt ùa về, bà Thư ngồi một mình trên sân thượng, rơm rớm nước mắt đọc lại những lá thư của một thời lửa đạn...