Trong thực tế, các cơ quan báo chí luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều.

Thời gian qua báo chí luôn đồng hành trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo quốc gia. Việc tuyên truyền về giảm nghèo đã được thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng khó khăn… Nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo…

Kết quả Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm bình quân 2%/năm đều có phần đóng góp của công tác truyền thông về giảm nghèo, trong đó báo chí có vai trò quan trọng.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Với chức năng cầu nối chuyển tải các thông tin chính sách của nhà nước xuống với từng người dân và ngược lại. Trên hầu khắp các mặt báo, những vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo, nguyên nhân nghèo đói, những bất cập về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giảm nghèo, những tấm gương đã thoát nghèo luôn được dành thời lượng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Nhiều các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát, phản biện chính sách thông qua báo chí. Từ việc xây dựng chính sách, báo chí đã lấy ý kiến người dân, chuyên gia, doanh nghiệp…, đóng góp ý kiến, hiến kế cũng như phản biện trước khi hoàn thiện các văn bản chính sách. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách giảm nghèo, đã được người dân đóng góp ý kiến phản biện rộng rãi, tích cực. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đi vào thực thi có những bất cập cũng được nhân dân phản biện qua các kênh thông tin báo viết, phát thành và truyền hình.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận, trên cơ sở thông tin chính thống từ các cơ quan chuyên ngành, báo chí bằng nhiều hình thức khác nhau tiếp tục phản ánh thực trạng đói nghèo ở Việt Nam một cách thực chất, đầy đủ, khách quan bằng những khảo sát cơ bản, khoa học. Mặt khác, báo chí tiếp tục phân tích nguyên nhân cụ thể, chi tiết của nghèo đói đối với từng đối tượng, thành phần xã hội lâm vào tình trạng nghèo, theo đó đề xuất những giải pháp căn cơ, phù hợp từng đối tượng, vùng miền. Chẳng hạn như đói nghèo do nguyên nhân khách quan hay chủ quan: Lười lao động, ỷ lại vào Nhà nước hay trình độ dân trí thấp; thiếu kiến thức kinh doanh hay thiếu vốn đầu tư… Quan trọng hơn, báo chí góp phần phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hợp lí, những lời giải bài toán đói nghèo thành công trong cả nước. Từ đó gợi mở nhân rộng mô hình, phương cách làm ăn, sản xuất kinh doanh giỏi…

Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được xây dựng với nhiều điểm mới, đó là: Chương trình tập trung vào địa bàn khó khăn nhất của vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi; Chương trình mang tính tích hợp các chương trình, dự án trước đây như CT30a, 135, xuất khẩu lao động... Việc thực hiện giảm nghèo giai đoạn này cũng theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, qua đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin…

Chính vì vậy, công tác báo chí, truyền thông cũng cần phải được cải tiến cần có góc nhìn đa chiều khi khai thác mảng thời sự giảm nghèo. Không chỉ chuyển tải các chính sách của nhà nước, truyền thông cũng cần thông tin mạnh mẽ để người nghèo hiểu rõ vấn đề “con cá và cần câu” là chưa đủ, mà phải giúp người nghèo có thêm khao khát vươn lên thoát nghèo.

Gia Hưng - Thu Trang