61 thương vụ và chi nhánh thương vụ

Thương vụ tại các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế (thương vụ) là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và là một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Thương vụ có chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.

Hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bao gồm 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh (kể cả 2 thương vụ là Iraq và Lebanon chưa triển khai). Số thị trường kiêm nhiệm: 55; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm: 60.

Ngoài ra, có một Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (một trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia tích cực hỗ trợ các DN xuất khẩu 

Đơn cử, Saudi Arabia là nền kinh tế có quy mô lớn nhất tại khu vực vùng vịnh; là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản và thực phẩm, giữa lúc quốc gia Trung Đông đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm an ninh lương thực.

W-thuysan.png
Thuỷ sản- mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Saudi Arabia

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư Saudi Arabia cũng quan tâm đến các dự án của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, dệt may. Do đó, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản như gạo, hạt điều, chè, hạt tiêu, cà-phê, cá đông lạnh, cá hộp, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm trang trí nội thất, than củi, trầm hương, hàng may mặc... vào thị trường này.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia chia sẻ, để phát triển thị trường trong tình hình mới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách để có những sản phẩm phù hợp, có chất lượng tốt, duy trì chất lượng đồng đều; xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, từng bước đưa kèm vào thị trường song song với việc sản xuất, đóng gói, dán nhãn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối.

Thị trường Saudi Arabia yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Theo chia sẻ từ đại diện Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia, với thị trường này, thịt, các sản phẩm từ thịt, thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu, đồ uống, bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu ăn, chất béo cần có chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO); có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, có đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, có email cố định, kiên trì trong giao dịch với khách hàng khu vực, nóng vội sẽ mất đi cơ hội.

Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh tại thị trường, điều này làm cho đối tác tích cực trong việc quảng bá, mở rộng thị trường sát với nhu cầu và thị hiếu của khách hơn.

Thời gian qua, Thương vụ đã xây dựng và phát huy có hiệu quả phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại Saudi Arabia với 140 doanh nghiệp có hàng mẫu trưng bày gồm các lĩnh vực nông sản (gạo, mỳ gạo, mỳ ăn liền, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, mật ong, thạch dừa, dầu dừa…), thực phẩm, cá hộp, nước sốt, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, vật tư y tế, than củi, trầm hương, du lịch,…

Thương vụ cũng thực hiện quảng bá hàng mẫu của các doanh nghiệp tới 10 tỉnh, địa phương Saudi Arabia; tổ chức hằng năm tuần quảng bá hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lulu.

Thương vụ cũng đã thành công trong việc đấu tranh, vận động bạn dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, hiện đã có gần 50 doanh nghiệp đánh bắt thủy sản được xuất khẩu sang thị trường Saudi Arabia.

Nhóm PV