- Sự việc hai cái chết thương tâm của hai chị em tại xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi đi qua cây cầu “tử thần” chưa nguôi thì khi chúng tôi có mặt nơi đây, chính quyền sở tại vẫn ngang nhiên đặt “trạm thu phí” đối với phương tiện khi đi qua cây cầu mục nát này.

Khi mà câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu trong vụ việc hai đứa trẻ bị chết khi rơi từ cây cầu không có lan can đã là nỗi bức xúc từ lâu nay của người dân nơi đây, thì trạm thu phí ở cây cầu này vẫn đang hoạt động.

Nín thở qua ”cầu Ải”

 
Người dân của các thôn Vĩnh Phú, Vĩnh Long, Phú Thượng, Đồng Tiến, Hải Thành… thuộc xã Kỳ Khang hàng ngày phải liều mình qua cây cầu Long, mặt cầu bị bong, trên cầu không có lấy một lan can chắn hiểm, mỗi khi qua đây lại rùng mình vì có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào nếu chẳng may sơ ý.

Cây cầu Long Giang bắc qua Sông Nhà Lê, thuộc Xã Kỳ Khang có tổng chiều dài 55m rộng 3,5m đã tồn tại hàng chục năm nay, là cây cầu duy nhất của 2.800 hộ dân của 11 thôn ở xã Kỳ Khang. Khi xây dựng, cây cầu đã không có hệ thống lan can bảo vệ.
 
Cây cầu “tử thần” nơi hai chị em Hồng và Hà bị chết đuối
Mặt cầu nhỏ bé tồn tại những ổ gà, ổ voi. Nơi đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn, và đã có nhiều người chết do không có lan can bảo vệ. Nhưng chẳng được chính quyền khắc phục.
 

Mặc dầu vậy, trong những năm gần đây cây cầu có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, mố cầu bị bong, mặt cầu xuất hiện nhiều ổ voi,ổ gà, chân cầu bị rạn nứt, hai bên bị sập những khối đá to.

Phía dưới bị lún xuống sông gần 1m khiến cây cầu nhìn thấp hơn. Nguy hiểm hơn, mặc dầu bề ngang của cầu rất hẹp nhưng không có lấy một thanh ngang chắn hiểm, dưới sông mực nước sâu hơn 3m lại chảy xiết nên những ai qua đây cũng không khỏi giật mình.

Đặc biệt là những lúc gặp phải xe ô tô đi qua, trời mưa đường trơn cầu vừa hẹp lại phải tránh xe.

Qua tìm hiểu, được biết, cây cầu này hàng ngày có hàng trăm học sinh của các trường THPT, THCS, Tiểu học phải đi qua. Đó cũng là nỗi lo lắng của những bậc phụ huynh khi hằng ngày phải nín thở nhìn các con qua cầu tìm chữ.

Anh Nguyễn Văn Hùng một phụ huynh có ba con học tại trường THCS và Tiểu học Kỳ Khang bày tỏ: Thấy con đi học lâu không về là vợ chồng tôi lại hồi hộp, mặc dầu bận công việc nhưng cũng phải cố ra đứng chờ bên cạnh cầu để chờ con vì sợ xảy ra gì khi đi qua cây cầu này.

Còn đối với những giáo viên hai trường THCS và tiểu học của xã, là hai trường có số học sinh và giáo viên đông nhất huyện, hàng ngày phải qua cây cầu này. Mọi người vẫn gọi nó một cái tên khác – cây cầu Ải, cái tên cầu đã được gắn từ lâu vì quá nguy hiểm.

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều học sinh và giáo viên rơi xuống đây. Một thầy giáo dạy tại trường THCS Kỳ Khang cho biết, nhiều lần họp trường, nhà trường có đề nghị xã làm rào chắn an toàn cho cầu để học sinh qua đây được đỡ nguy hiểm. Không hiểu sao xã hứa, nhưng không có động tĩnh gì thành ra cũng chỉ… chờ vậy.
 
Không chỉ những giáo viên nơi đây phản ánh mà người dân nơi đây cũng rất bức xúc về tình trạng của cây cầu quá nguy hiểm nhưng vẫn không được khắc phục. Thông tin phản ánh đã nhiều, chưa giải quyết được thì đã có hậu quả nghiêm trọng khi hai bé gái chết đuối.

Trong khi đó, trạm thu phí vẫn hoạt động trong nhiều năm nay. Hình ảnh phóng viên chụp được sau 2 ngày xảy ra sự việc hai bé gái chết đuối, được sự đồng ý của xã, người có nhiệm vụ gác trạm vẫn thu tiền các phương tiện, như chưa có chuyện gì xẩy ra.
 

Ông Đặng Hải Trinh (SN 1963) bức xúc nói: Cây cầu này đã lấy đi nhiều mạng sống của dân địa phương chúng tôi, nhiều lần họp dân phản ánh nhưng không hiểu sao đến nay vẫn không thấy ai đứng ra giải quyết”

Còn anh Trần Văn Dũng thì bộc bạch: nếu xã cần dân chúng tôi đóng góp để làm thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng đằng này xã chỉ biết im lặng.

Cũng theo những người dân, hơn 3 năm trở lại đây đã xảy ra hàng trăm vụ rơi cả xe lẫn người xuống dòng sông này, cướp đi sinh mạng nhiều người dân. Còn xe, trâu bò qua lại bị té xuống sông thì diễn ra như cơm bữa.

Chính quyền vô cảm?

Một người dân sống tại đây từng nhiều lần tham gia cứu vớt người bị té cho biết: Cầu đã như vậy, nhưng điều trớ trêu là tại cây cầu này lại xuất hiện một trạm thu phí qua cầu do xã cho một người dân đứng ra thầu thu phí, làm cho những lái xe không khỏi bực mình.
 

Theo thông tin từ Phó chủ tịch xã, mỗi năm xã thu được 40 triệu đồng tiền khoán cho hộ dân lập trạm thu phí. Thế nhưng cây cầu lại trở thành nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân.
 

Trạm thu phí đã được lập từ lâu nay, mặc dù cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, chẳng có lan can bảo vệ. Chẳng ai muốn đi qua cây cầu tử thần này, nhưng vì là tuyến duy nhất của hàng ngàn người dân Kỳ Khang nên chẳng có cách nào hơn để qua sông.

Anh Lê Xuân Hải, một lái xe thường xuyên qua cây cầu này bức xúc nói, cầu đã hẹp lại ổ gà, ổ voi không có lấy một lan can mà không biết họ dựng trạm thu phí lên đây để làm gì, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe qua, lượt nào cũng phải đóng phí.

Đáng chú ý là sau cái chết thương tâm của hai chị em Hồng và Hà, khi chúng tôi trở lại nơi đây, trạm thu phí vẫn được hoạt động công khai, bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Một người thu phí vẫn đều đặn ra chặn xe, thu tiền khi phương tiện đi qua cây cầu Ải.

Đem sự việc trên trao đổi với chính quyền xã thì được ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết, xã chưa làm được vì đang chờ kinh phí của huyện cấp về, hoặc chờ có dự án nào đó thì mới triển khai.

Mố cầu đã bị bong ra rộng và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa.
 

Thế nhưng khi hỏi đến câu chuyện xã lập trạm thu phí qua cầu từ bao giờ thì vị lãnh đạo xã này lại cho biết, trạm thu phí được lập từ năm 2001 do ông Nguyễn Tiến Phong đấu thầu. Mỗi năm phải nộp vào ngân sách xã 40 triệu đồng.

Khi hỏi đến số tiền lệ phí qua cầu thu được trong bao nhiêu năm qua xã sử dụng vào mục đích gì? Sao không tu sửa cây cầu thì ông phó chủ tịch xã im lặng rồi nói: Do xã còn nghèo?!.

Sau cái chết tức tưởi mới đây nhất của hai chị em, câu chuyện trách nhiệm của các cấp liên quan vẫn đang được bỏ ngỏ. Mặc dù tai nạn thương tâm xảy ra nhưng sự vô cảm của chính quyền sở tại vẫn tiếp tục khi trạm thu phí vẫn hoạt động và không có thêm biện pháp nào cảnh báo đối với người dân khi đi qua cây cầu này.

Thùy Vy – Duy Tuấn