Trầu cau là sản phẩm nổi tiếng của cả hai vùng Tây Sơn thượng đạo và hạ đạo, đặc biệt là loại trầu nguồn do đồng bào Thượng trồng trên Tây Nguyên.

Bến Trường Trầu là một di tích liên quan mật thiết với phong trào nông dân Tây Sơn; sau gần hai thế kỷ, bến Trường Trầu không còn như xưa. Sau khi ba anh em Tây Sơn mất, để tưởng nhớ, nhân dân đã xây dựng trên nền nhà đó một cái miếu thờ ba anh em Tây Sơn, gọi là miếu Vĩnh Thọ (nay là tịnh xá Ngọc Bình). Bến Trường Trầu khi mỗi độ xuân về đã cùng với lễ hội Đống Đa, gợi nhớ những năm tháng hào hùng của Tây Sơn Tam Kiệt.

Do ý nghĩa quan trọng của di tích, năm 1986 bến đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. 

 

Bến Trường Trầu là bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Côn xưa, thuộc xóm Trầu, thôn Kiên Mỹ, cách đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt khoảng 200m.

{keywords}
Bến Trường Trầu ngày nay

Vào thế kỷ XVIII, làng Kiên Mỹ (nay thuộc thị trấn Phú Phong) là vùng đất nối tiếp giữa Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo. Từ chợ Kiên Mỹ có hai đường giao thông thuận tiện qua lại giữa hai miền. Đó là con đường bộ qua đèo An Khê và đường thủy là con sông Côn.

Theo đường thủy người ta có thể ngược lên đến tận các làng bản của người dân tộc thiểu số và xuống tận miền xuôi vùng ven đầm Thị Nại. Bến Trường Trầu ở Kiên Mỹ là bến lớn trên toàn hệ thống sông Côn, là nơi các thương lái tập trung trao đổi, mua bán hàng hóa. Trong đó nhiều nhất vẫn là trầu, vì thế rất dễ hiểu vì sao tên bến là Trường Trầu (tạm dịch là nơi mua bán trầu).

Gia đình ông Hồ Phi Phúc khi còn cư trú ở quê vợ - làng Phú Lạc, ngoài nghề nông còn tham gia buôn bán trao đổi với miền xuôi, miền ngược, nhờ vậy trở nên giàu có. Đến đời các con ông cũng tiếp nối sự nghiệp của cha, duy trì và mở rộng việc buôn bán, trao đổi.

Bến Trường Trầu với việc giao lưu buôn bán, đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp khởi nghĩa của ba anh em Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc thường qua lại vùng Tây Sơn thượng đạo, có quan hệ mật thiết với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, giao lưu buôn bán với các chợ, bến, thị tứ vùng đồng bằng. Điều này giúp cho ông mở rộng tầm nhìn, thấu hiểu nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân, từ đó dễ dàng vận động, liên kết các lực lượng tham gia khởi nghĩa.

Sau quá trình chuẩn bị ở Tây Sơn thượng đạo, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nhạc đã mở cuộc hành quân quy mô lớn tiến xuống giải phóng Tây Sơn hạ đạo, giải phóng phủ Quy Nhơn, đặt nền móng vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của phong trào. Trong thành quả đó, Bến Trường Trầu, một đầu mối quan trọng, nơi kết nối thông tin, liên lạc thư từ của nghĩa quân trong những ngày đầu chuẩn bị khởi nghĩa, cho đến khi đạt đến đỉnh cao.

Tương truyền, cạnh Bến Trường Trầu xưa, Nguyễn Nhạc có dựng một ngôi nhà để chứa trầu và làm quán trọ cho khách buôn trầu. Vì vậy, nhân dân Kiên Mỹ, cũng như nhiều vùng xung quanh đều biết đến Nguyễn Nhạc với cái tên là anh Hai Trầu. Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhân dân Kiên Mỹ có dựng trên nền nhà xưa ngôi miếu thờ ba anh em Tây Sơn, gọi là miếu Vĩnh Thọ (còn gọi là miếu Cây Gòn vì nơi đây có cây gòn to). Về sau, thực dân Pháp dùng làm kho chứa lương thực, rồi phá hủy. Đến năm 1963, có ba vị khất sĩ người Nam Bộ cùng nhân dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ lợp tranh (trên nền miếu cũ), năm 1967, mới xây bằng gạch gọi là Tịnh xá Ngọc Bình.

Đầu năm nay Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh đã thi công xây dựng công trình đầu tư cơ sở hạ tầng khu C và đặc biệt là phục dựng cảnh quan Bến Trường Trầu, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.

Bến Trường Trầu nay đã bị bồi lấp, chỉ còn là một bãi cát ven sông, không còn cảnh thuyền ghe tấp nập cùng không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn, nhưng “Cây me cũ, Bến Trầu xưa…” đã đi vào lịch sử, mãi còn vang vọng về một thời oanh liệt.

Mai Hương

Ảnh: Hoàng Hiệp