Ngày 8/6/2020, ông Chu Mạnh Hùng (biệt danh Hùng Xiếc, một người trong giới chơi cây cảnh ở Phúc Thọ, Hà Nội) xác nhận thông tin vừa bán cây sanh mang tên Thị Lâm Bồng Thạch cho ông Nguyễn Văn Chí (xã Hồng Vân, Thường Tín, TP. Hà Nội).

Được biết, cây sanh Thụ Lâm Bồng Thạch từng được đem đi triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm, cây sanh này được Hùng Xiếc mua lại.

Từng có thông tin một đại gia ở Việt Trì - Phú Thọ sẵn sàng bỏ ra số tiền 7 tỷ đồng mua cây này nhưng ông Hùng Xiếc không bán.

Ông Hùng Xiếc cho rằng đây là báu vật trong nhà vườn của mình, mọi cuộc triển lãm cây cảnh uy tín trong nước đều được vị này mang cây Thụ Lâm Bồng Nguyệt tới tham dự để giới thiệu.

{keywords}
Cuộc giao dịch cây sanh Thụ Lâm Bồng Thạch giữa ông Hùng Xiếc (bên trái) và anh Nguyễn Văn Chí hôm 7/6/2020.

Chính vì thế, quyết định bán cây Thụ Lâm Bồng Nguyệt của ông Hùng Xiếc cho anh Nguyễn Văn Chí hôm 7/6/2020 khiến cho nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, ông Hùng Xiếc từ chối tiết lộ nguyên nhân vì sao bán cây quý nhất vườn nhà mình, đồng thời ông cũng từ chối giá chuyển nhượng cây này.

Liên quan đến thương vụ này, chia sẻ với Đất Việt, ông Phan Văn Toàn (hay còn gọi là Toàn đô la, ở TP. Việt Trì - Phú Thọ) xác nhận, ông chính là người từng hỏi mua cây sanh Thụ Lâm Bồng Thạch từ nhiều năm trước.

"Khi đó anh Hùng Xiếc định giá cây này 7,5 tỷ đồng nhưng tôi trả 6 tỷ đồng nhưng anh không bán. Theo thông tin tôi được biết thì anh Chí mua lại cây này với giá đúng 7,5 tỷ đồng. Đây là thông tin chuẩn xác" - ông Toàn cho biết.

Theo ông Toàn, Thụ Lâm Bồng Thạch là một trong 30 cây sanh thương hiệu nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại nên ông không cảm thấy bất ngờ về giá trị của cuộc giao dịch đã diễn ra.

Mặc đù vậy, cây này vẫn phải xếp vào "hàng dưới" so với Tiên Lão Giáng Trần hay Đại Thế Vân Tùng...

Vị đại gia ở TP. Việt Trì cho biết, trong quãng thời gian gần đây, xuất hiện một nhóm khoảng 15 người (không rõ nguồn gốc, lai lịch) đi khắp cả nước tìm mua những cây thương hiệu của Việt Nam.

"Họ sẵn sàng chi ra cả núi tiền để sở hữu những cây thương hiệu. Không rõ nhu cầu mua của họ có thực hay không nhưng qua đó cũng tạo làn sóng sở hữu cây thương hiệu từ các nghệ nhân trên khắp cả nước" - ông Toàn cho biết.

{keywords}
Cây Thụ Lâm Bồng Thạch trong một buổi triển lãm.

Ông Toàn cho rằng, việc một số nhóm người sẵn sàng chi bất cứ giá nào để mua cây mang đủ tiêu chỉ cổ - kỳ - mỹ không rõ mục đích đằng sau là gì. Chính vì thế, giá cây cũng vì thế mà tăng lên.

Trong khi đó, một nghệ nhân cây cảnh ở Nam Định cũng xác nhận có một nhóm người tìm đến các nhà vườn nổi tiếng ở Việt Nam để mua những cây cảnh giá trị.

"Họ sẵn sàng trả giá cao hơn gấp 2 lần so với giá trị thực của cây. Thậm chí, chủ cây đưa ra mức giá như nào họ chấp nhận luôn mà không cần trả giá. Đồng thời họ còn nhờ chủ vườn môi giới cho những cây khác để sở hữu.

Không rõ mục đích phía sau là gì nên chưa thể khẳng định được có nhóm thổi giá thông qua hành động này hay không" - vị này cho biết.

Nói về số tiền 7,5 tỷ đồng trong thương vụ cây Thụ Lâm Bồng Thạch mới được chuyển nhượng, vị này cho rằng, mặc dù đây một trong những cây sanh được xếp vào hàng đẹp nhất ở Việt Nam trong những năm qua nhưng cũng rất khó để định giá cây cảnh, điều này phụ thuộc về con mắt, sở thích của mỗi người.

"Nhiều người có điều kiện kinh tế, công với đam mê thì họ sẵn sàng chi tiền để thỏa mãn. Còn người dù có điều kiện kinh tế nhưng không đam mê, không thích mắt thì dù giá nào họ cũng không màng tới. Đặc biệt trong lúc thời buổi đang khó khăn sau dịch bệnh thì việc chi ra một số tiền lớn như thế không phải ai cũng quyết định được" - vị này nói.

(Theo Đất Việt)