Theo ông Trường Bomi, 4 năm AhaMove ra đời là 4 năm phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt với 2 đối thủ sừng sỏ: Một là thị trường "cổ hủ cứng đầu", hai là gã khổng lồ Grab. Tuy nhiên, đó cũng chính là lực đẩy để Ahamove bứt phá vượt lên các giới hạn và để lại vô vàn những bài học thú vị. Một trong những bài học ấy chính là nhìn cách người dẫn dắt đối thủ của mình đi tới thành công. Ông Trường Bomi gói gọn 6 "gia vị" thành công mà CEO của Grab Anthony Tan đã làm để mang "kim bài miễn tử" cho Grab tới ngày nay.
Địa phương hóa
Theo ông Trường Bomi, mỗi vùng đất có một bản sắc và những hiện trạng riêng có. Và không ai hiểu địa phương hơn chính những người sinh ra, trưởng thành, ăn thức ăn và thở không khí của địa phương ấy. Grab của Anthony Tan xuất phát không có đội ngũ mác hàng hiệu như tốt nghiệp Harvard hay làm McKinsey như đối thủ, hay lấy nhà quản lý từ quốc gia tư bản phát triển. Song là người Việt nên rất hiểu người Việt, với mỗi giải pháp và cải cách cho sản phẩm, vận hành, và chiến lược giải quyết đúng nỗi đau của đối tác và khách hàng Việt của họ.
Thấu hiểu sản phẩm, đội ngũ và khách hàng
Grab của Anthony khi mới xông đất thị trường Việt Nam đã áp dụng ngay chiến thuật hợp tác với các hãng taxi truyền thống, giải quyết bài toán gia tăng khách hàng, doanh thu cho cả 2 bên nhờ giải pháp gọi xe kiểu mới qua smartphone, để rồi dần dần lớn mạnh trở thành số một trên thị trường khi khách hàng đã thay đổi hẳn thói quen từ vẫy taxi thành mở App gọi xe công nghệ. Họ cũng khôn ngoan khi đưa ra hình thức thanh toán bằng tiền mặt ở một khu vực mà phần đông dân cư không dùng thẻ tín dụng, giải pháp này khiến Uber không kịp trở tay.
Kể cả con bài phủ đồng phục tới hàng trăm ngàn tài xế, khiến màu xanh lá cây bạt ngàn mọi góc phố cũng là ván bài tất tay tạo nên điểm bùng phát cho hãng gọi xe này. Khiến Grab trở thành động từ hằn trong tâm trí khách hàng, thay vì “gọi xe ôm thôi” thì “Grab thôi”.
Bị thôi thúc bởi tác động tích cực cho cộng đồng
Tới cuối 2017, Grab mang lại thu nhập cho hơn 2 triệu tài xế và cán mốc 1 tỷ chuyến xe thành công ở Đông Nam Á, giúp cho hàng chục triệu người có lựa chọn đi lại tiện lợi hơn. Đó chẳng khác nào một công ty NGO khổng lồ.
Và hiện tại, Grab đã mở rộng tầm nhìn thúc đẩy bởi mục tiêu xã hội, tiến vào lãnh hạt thanh toán điện tử, mua lại Moca, giải quyết bài toán giảm thiểu tiền mặt lưu thông và mang lại cơ hội tài chính công bằng cho những người không có đặc quyền.
Không rời mắt khỏi đối thủ cạnh tranh, song không bị họ dắt đuôi
Chậm chạp hơn đối thủ sừng sỏ Uber về công nghệ, sản phẩm và năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu. Và cũng nhảy vào thị trường Indonesia sau đối thủ lớn nhất hiện tại là Go-jek. Tuy nhiên, Grab đã chọn cách phát triển thế mạnh thay vì tập trung khắc phục điểm yếu để bắt kịp đối thủ. Và họ chỉ bị “dắt đuôi” bởi đối thủ lớn nhất là thị trường cứng đầu, để mỗi ngày trôi đi phục vụ khách hàng tốt hơn. Sản phẩm có thể trải nghiệm tệ lúc ban đầu, song khi mang lại giá trị cho và nỗ lực mỗi ngày vì khách hàng, thì Grab đã luôn được dung thứ.
Tinh thần đồng đội là tất cả
Grab lưu truyền một khẩu hiểu là: “Your problem is my problem” (vấn đề của bạn là vấn đề của tôi – PV) và tinh thần ấy trở thành một trong những giá trị cốt lõi ở công ty khởi nghiệp kỳ lân Đông Nam Á này. Tinh thần đồng đội giờ đây còn lan rộng tới từng góc phố, khi các tài xế Grab cứ dừng xe là túm năm tụm ba trò chuyện sự đời như pháo rang, để quên đi sự nhàm chán hay mệt mỏi hằn trên khuôn mặt của họ giữa trời nắng gió bão bùng. Tình yêu và sự chung thủy với thương hiệu cũng không nhỏ từ đó mà ra.
Mãi dại khờ, mãi ước mơ
Xem lại video “Tương lai của Grab - Ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày của bạn” mới thấy nếu là Anthony thời mới chân ướt chân ráo đưa Grab xâm nhập thị trường gọi xe các nước Đông Nam Á thì quả thật dại khờ. Song giờ đây không ít ước mơ đã thành sự thật. Liệu có dại khờ không, điên rồ không khi Grab sẽ không chỉ là một hãng taxi đại bự, mà còn là “chủ” chuỗi nhà hàng khổng lồ, hay ngân hàng kiểu mới lớn nhất Đông Nam Á. Song dù thế nào, Grab và Anthony quả là đáng nể.