Khi công việc kinh doanh chính của Google vẫn tiếp tục phát đạt, Larry Page lại càng đặt cược nhiều vào những công nghệ mới – các hạt phân tử nano có thể tiêu hóa được, khinh khí cầu phát internet – những công nghệ thay đổi tương lai.

Phòng thí nghiệm Google X là nơi Google đang phát triển những chiếc xe tự lái, tuốc-bin chạy bằng sức gió ở trên cao, những quả khinh khí cầu được thả lên tầng bình lưu để phủ sóng Internet cho toàn thế giới. Có một câu chuyện đùa về Larry Page được lan truyền tại phòng thí nghiệm này như sau: một hôm, một nhà khoa học có trí thông minh siêu phàm làm việc trong phòng thí nghiệm của Google bước vào phòng làm việc của Page, mang theo một phát minh có thể làm thay đổi thế giới – một cỗ máy thời gian. Khi nhà khoa học này đi tìm sợi dây nguồn để bắt đầu bản demo, Larry Page lập tức sa thải ông ta với lý do: “Tại sao lại cần phải cắm điện?”

Câu chuyện này được các nhân viên lâu năm làm việc trong phòng thí nghiệm tương lai nhắc đi nhắc lại bằng một thái độ trìu mến vì nó mô tả chính xác sự gấp gáp cũng như ước nguyện đưa nền công nghệ tiến lên của Larry Page. CEO Google thuộc kiểu người luôn cho rằng sự không thể chỉ là hữu hạn và hầu như mọi sự đều là có thể. Ông không bước trước đội ngũ kỹ sư và nhà khoa học của mình một hai bước, ông dường như sống ở một vũ trụ khác, nơi tương lai của trái đất đã là chuyện quá khứ của hành tinh này. Khi lãnh đạo của dự án khí cầu Internet cho biết, nếu tất cả mọi việc xảy ra như mong đợi, Google có thể làm tăng tổng lượng băng thông Internet lên 5%, Page đã hỏi vì sao không thể tăng con số này lên gấp đôi hoặc gấp 3. Astro Teller, người đứng đầu phòng thí nghiệm Google X nói: “Page luôn muốn chắc chắn là sau khi dự án “moon shot” này kết thúc, sẽ lại có một dự án “moon shot” khác. Điều này nhắc nhở chúng ta tham vọng của con người này cao đến như vậy”, Teller nói.

 Andy Conrad, người đứng đầu dự án tương lai mới nhất của Google, một dự án về các hạt nano có thể tiêu hóa giúp kiểm soát bệnh tật, lấy ví dụ về một lần tranh luận với Page: “Bạn vừa cảm thấy hoảng sợ, vừa cảm thấy được truyền cảm hứng lại vừa thấy như được tiếp thêm sức mạnh cùng một lúc”. Nếu như đưa ra kỳ vọng và thử thách lớn cho các nhân viên là một cách quản lý truyền thống luôn được đánh giá cao thì Larry Page cũng sử dụng biện pháp này nhưng ở một cấp độ cao hơn.

Ngoài hình ảnh một ông Page Mơ mộng - ông Page CEO, còn một mặt khác ở con người này. Trong gần một thập kỷ, Page đã tham gia vào một trong những thử nghiệm quản lý không chính thống nhất tại Mỹ: Google được quản lý bởi bộ ba bao gồm Eric Schmidt với vai trò CEO, đồng sáng lập Page và Sergey Brin làm chủ tịch. Trong năm 2011, bộ ba này đã tan rã, Page nhận vai trò CEO. Với vai trò này, ông đã chứng minh được năng lực và thể hiện được kinh nghiệm quản lý. Được truyền cảm hứng từ hình tượng quản lý Alan Mulally, cựu CEO của hãng ô tô Ford và hiện là thành viên hội đồng mới nhất của Google, Page đã thúc đẩy gã khổng lồ Google tiến về phía trước đồng thời chuyển đổi nó sao cho phù hợp với tầm nhìn vĩ mô của mình. Ông tái tổ chức các vị trí cao nhất (hai lần), cắt giảm rất nhiều sản phẩm, phối kết hợp những cái còn lại và dựa vào các kỹ sư để đơn giản hóa. Với một bàn tay quản lý vững chắc, ông thúc đẩy cả công ty tập trung vào mảng di động trước. Chỉ sau hơn 3 năm nắm vị trí CEO, Google trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Công ty này luôn luôn mở rộng ngành nghề kinh doanh chính của mình, gồm công cụ tìm kiếm, quảng cáo, bản đồ, Gmail, các ứng dụng, Chrome, YouTube, Android và hơn thế nữa. Mọi lĩnh vực kinh doanh của Google đều phát triển tốt và tiến vào mọi ngóc ngách trên máy tính của bạn.

Ngày nay Apple coi Google là đối thủ số 1 của mình. Nhưng các công ty như Amazon, Facebook, Microsoft, Yahoo và một danh sách dài những công ty “ít công nghệ” hơn đều có chung đối thủ là Google. Theo ông John Battlle, một doanh nhân và cũng là tác giả của The Search, một cuốn sách chuyên đề về công ty này trong những năm đầu: “Tôi không nghĩ là chúng ta từng thấy một công ty nào như Google trong làng công nghệ”.

Thành công về mặt kinh doanh của Google là không thể chối bỏ. Công ty này đã tăng trưởng 20% mỗi năm trong vòng 3 năm trở lại đây với doanh thu lên tới 16 tỷ USD trong quý 4/2014. Tích trữ tiền mặt của Google vào khoảng 37 tỷ USD khi Page trở thành CEO và con số này cũng đã tăng lên. Công ty hiện nay ở mức 62 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương. Tất cả những điều đó cho phép Page đầu tư thậm chí mạnh tay hơn vào các lĩnh vực kinh doanh chính của Google và kể cả những dự án xa vời. Page cho biết: “Tôi từng tranh luận điều này với Steve Jobs, và ông ta luôn nói ‘Các anh làm quá nhiều thứ’. Steve đã làm một hoặc hai thứ rất tốt”. Mặc dù công thức này phát huy hiệu quả với Apple nhưng Google có một tầm nhìn hoàn toàn khác: “Chúng tôi muốn có sự ảnh hưởng lớn hơn đến thế giới bằng cách làm nhiều thứ hơn”.

Trong vòng chưa đầy bốn năm, Page đã có những bước tiến lớn theo hướng đó. Những dự án nổi tiếng “moon shot” của Google không còn mới nữa. Trước khi Page trở thành CEO, công ty này cũng đã phát triển các dòng xe tự lái. Nhưng hiện nay, Page cùng Brin, người giám sát phòng thí nghiệm Google X, đang bắt tay vào thực hiện rất nhiều dự án đột phá mới. Trong năm 2013, Google đã tiến hành những cuộc đầu tư lớn vào trí thông minh nhân tạo, robot và máy bay không người lái. Google đã mở rộng một cách đáng kể các đơn vị liên doanh của mình, đầu tư vào hàng trăm công ty mới khởi nghiệp, đóng vai trò như một cánh tay dẫn dắt các ý tưởng mới nhen nhóm bên ngoài tổ hợp Google (Googleplex). Công ty này đã mua lại Nest với giá 3,2 tỷ USD để theo đuổi giấc mơ về một ngôi nhà tự động hóa hoàn toàn. Cũng chính công ty này đã rót hàng trăm triệu USD cho Calico, một công ty công nghệ sinh học độc lập được Google nuôi dưỡng và quản lý bởi cựu CEO của Genetech, ông Art Levinson, để chống lại quá trình lão hóa. Công ty này đã bắt đầu bán ra các sản phẩm kính áp tròng giúp kiểm soát lượng đường và chiếc Glass, một loại kính đeo thực tế ảo. Tuy nhiên sản phẩm này đã gặp phải sự dửng dưng cũng như nhạo báng của người tiêu dùng, và đã bị khai tử vào đầu năm 2015.

Nhiệm vụ ban đầu của Google là “tổ chức thông tin của thế giới, giúp nó trở nên hữu ích và toàn thế giới có thể tiếp cận” từng bị coi là táo bạo một cách lố bịch, thì ngày này, tầm nhìn này đã được thu hẹp lại một chút. Page muốn công ty mà mình đã đồng sáng lập với tư cách là một sinh viên tốt nghiệp đại học Stanford sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới theo cái cách không thể tưởng tượng nổi nhất.

Và chính sự kết hợp giữa các mục tiêu lớn của Page cũng như những kết quả tài chính tốt của Google đã khiến Page được bình chọn là doanh nhân của năm trên tạp chí Fortune.

Một người có thể dễ dàng cho rằng những nỗ lực xa vời của Google thì chỉ là ảo tưởng trong mơ. Nhưng thử nghĩ mà xem: Khi công ty này lần đầu hé lộ việc phát triển những chiếc xe tự lái năm 2010, một số công ty khác đã thực sự cân nhắc về điều này một cách nghiêm túc. Chỉ bốn năm sau, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Ngành công nghiệp mô tô đã chi hàng tỷ vào công nghệ này với hy vọng đuổi kịp Google. Đây là một ví dụ điển hình về việc Page đã thúc đẩy thế giới quanh ông hướng về phía tầm nhìn tương lai của chính ông như thế nào. Ben Horowitz thuộc công ty đầu tư tài chính Andreessen Horowitz cho biết: “Độ xa và rộng của những gì Page đang làm thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi chưa từng thấy một nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào như thế từ cái thời của Thomas Edison với GE hay David Packard với HP”.

Tham vọng vĩ đại của Page không phù hợp với tất cả mọi người. Một số người bên ngoài Googleplex tin rằng, câu khẩu hiệu “Đừng làm ác quỷ"(Don’t be evil) chẳng là gì ngoài một dòng PR ngớ ngẩn. Trên thực tế, ngày càng có nhiều hơn những lời chỉ trích từ phía các đối thủ, nhà cầm quyền và người tiêu dùng cho rằng Google đang nắm giữ quyền lực thị trường khổng lồ theo cái cách tàn bạo nhất bằng cách thâu tóm hết công ty mới thành lập này đến công ty mới thành lập khác.

Nhưng lời chỉ trích đặc biệt gay gắt ở châu Âu, nơi công ty này phải đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền liên tiếp mà kết quả có thể dẫn đến hàng tỷ USD tiền phạt.

Một sự chỉ trích khác đó là Google chỉ biết mỗi trò “bổn cũ soạn lại”, phụ thuộc vào món tiền từ các mục quảng cáo trên công cụ tìm kiếm để rót vào những dự án ảo tưởng. Chỉ trích thì nặng nề như vậy nhưng công ty vẫn kiếm được phần lớn doanh thu từ quảng cáo, và Page đã giúp Google đa dạng hóa loại hình kinh doanh. Theo ngân hàng đầu tư Jefferies, YouTube dự kiến thu về 6 tỷ USD doanh thu trong năm 2014. Cùng lúc đó, Google Play store và số tiền thu được từ các ứng dụng và dịch vụ của công ty cũng đem về nhiều tỷ USD. Còn Android, nền tảng di động thành công nhất của công ty, mặc dù được phân phối miễn phí, cũng đã giúp Google thu về không ít từ các sản phẩm cho mảng di động. Rất nhiều khoản đầu tư hiện tại của Page có thể được coi là những quyết định thông mình nhằm đảm bao tương lai của công ty và chống đỡ với sự chững lại của nghề kinh doanh quảng cáo trên công cụ tìm kiếm. Ông Mark Mahaney, nhà phân tích của RBC Capital Market cho biết: “Page đã đặt cược chính xác vào các xu hướng công nghệ trong tương lai lâu dài. Google có thể mất giá trị hơn nếu nó không đặc cược niềm tin vào nhà tự động, xe tự lái và các thiết bị đeo”.

Tuy nhiên, Page lại chẳng hề mảy may đến những lời chỉ trích mình. Ông cho rằng những điều mình làm là vì ước nguyện tạo nên một tác động tích cực. Ông cũng quả quyết sẽ tránh lặp lại số mệnh của các công ty công nghệ lớn trước kia, vốn chỉ chủ yếu tập trung vào những gì họ làm tốt nhất – và cuối cùng họ đánh mất tính phù hợp với thời thế của mình. Những kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới không muốn làm việc trong một môi trường lặp đi lặp lại. Và Page muốn Google tiếp tục hấp dẫn những cá nhân kiệt xuất nhất trên thế giới để ông có thể xây dựng một kiểu công ty hoàn toàn mới – một công ty có thể đứng đầu trên lĩnh vực của mình không chỉ trong vòng một hay hai thập kỷ mà có thể trong vòng nhiều thế hệ. “Đó là những gì tiếp tục thúc đẩy tôi”, ông cho biết.

Vậy đâu là con đường để một công ty công nghệ giữ vững được vai trò “bá chủ” của mình? Những “cá nhân kiệt xuất” làm việc dưới tay Larry Page chia sẻ những câu chuyện gì về ông chủ đầy tham vọng của mình? Xin vui lòng đón đọc phần tiếp theo của bài viết vào tuần sau.