Hội nghị Vietnam CEO Summit 2015 được tổ chức vào ngày 13/07/2015 tại Khách sạn Pullman Saigon Centre, TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Thương hiệu số và các công cụ Marketing thế hệ mới: Các điển cứu mới từ Đại học Harvard” với sự thuyết giảng của thầy “phù thủy thương hiệu”, Giáo sư John. A. Quelch, Giáo sư Đại học Harvard.

Hội nghị đã cung cấp cho các lãnh đạo Doanh nghiệp lớn Việt Nam những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cập nhật về chiến lược thương hiệu số và marketing lan truyền trong kỷ nguyên công nghệ. Tại hội nghị, GS. John Quelch đã đưa ra ba trường hợp điển hình và một bài trình bày về tiềm năng phát triển dịch vụ Y tế điện tử dựa trên nền các ứng dụng di động (mobile Health Care) để các doanh nghiệp học hỏi. 

Đó là sự thành công của một doanh truyền thống (tờ báo New York Times), không được sáng lập dựa trên nền tảng internet nhưng đã sống sót và phát triển trong “thời đại số” khi tìm ra được phương pháp “cộng sinh” phù hợp. Trường hợp thứ hai là của một người khổng lồ trong công nghệ số, Amazon, thất bại khi đánh giá sai khả năng bản thân và tiềm năng thị trường. Trường hợp thứ ba đặc biệt hơn, nói về phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề hiệu quả nhất (giảm thiểu tai nạn giao thông), trong kỉ nguyên số của một công ty dịch vụ công (Metro Melbourne)

Cùng với bài thuyết giảng của GS John Quelch, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tham gia thảo luận với Giáo sư Thomas E. Patterson, Giám đốc Trung tâm truyền thông Shorenstein thuộc Đại học Harvard, nhà báo Llewellyn King người sáng lập và điều hành chương trình Biên niên sử Nhà Trắng, phát sóng toàn quốc trên kênh PBS và các đài truyền hình của Chính phủ Mỹ, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, đồng sáng lập và tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston (Boston Global Forum), ông Nguyễn Đức Sơn – Giám Đốc Chiến lược thương hiệu của Công ty Richard Moore Associates và các học giả, chuyên gia khách mời của Hội nghị về các vấn đề liên quan đến xây dựng một thương hiệu số mạnh, một chiến lược tiếp thị hiệu quả trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ và internet.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Vietnam CEO Summit 2015, Vietnam Report đã tổ chức lễ vinh danh Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín nhất trên truyền thông năm 2015 (VNX10).

{keywords} 

Hội nghị Vietnam CEO Summit 2015 đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 300 đại diện bao gồm các lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam (các doanh nghiệp thuộc 3 Bảng xếp hạng VNR500, Fast500 và V1000) và đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.

Những điểm nhấn tại Hội nghị

1. Marketing lan truyền (Viral marketing) là một trong những hình thức marketing tuy chỉ mới nổi tại thị trường Việt Nam trong một vài năm trở lại đây nhưng đã mang lại những thành công ngoài mong đợi. Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ kỹ thuật số hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, tính năng chia sẻ và lan truyền chính là điểm mạnh của loại hình marketing này. Rất nhiều các Tập đoàn lớn trên Thế giới đã tận dụng hình thức marketing này cho các chiến dịch quảng cáo của họ, vừa tiết kiệm chi phí trong khi có khả năng tiếp cận một lượng rất lớn khách hàng. 

Tuy nhiên, để có được một chiến dịch marketing lan truyền thành công là điều không hề đơn giản. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một thông điệp rõ ràng, hiểu rõ khách hàng mục tiêu và phải đảm bảo chiến dịch marketing đó đơn giản. Biết được đối tượng hướng đến của mình là ai, chọn cách tiếp cận dựa trên hiểu biết với đối tượng đó sẽ mang đến thành công cho bất kì chiến lược truyền thông lan truyền nào. Và trong thời đại số, quảng cáo không dựa trên nền tảng internet, không tạo được hiệu ứng lan truyền sâu rộng thì cầm chắc thất bại.

2. Trong thời đại công nghệ số, sự phát triển nhanh chóng của Internet bên cạnh việc mang đến những cơ hội thì cũng tạo ra hàng loạt những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh để tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định giúp doanh nghiệp tồn tại cũng như giữ vững được vị thế của mình trên thị trường. 

Các Doanh nghiệp hầu hết có xu hướng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của mình nhằm phân tán rủi ro cũng như gia tăng khả năng sinh lời, tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự đa dạng hóa danh mục đầu tư và đầu tư dàn trải là rất mong manh, các Doanh nghiệp cần nhận thức rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình, cũng như tiềm năng phát triển, các bài học của các Doanh nghiệp đi trước từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn cho chiến lược phát triển của mình. Không nên bảo thủ với phương pháp kinh doanh của mình, mà cần phải dựa vào tình hình thực tế để tồn tại. Ai biết thích nghi với sự thay đổi của môi trường mới có khả năng tồn tại.

3. Trong cả ba trường hợp nghiên cứu mà GS. John Quelch đưa ra tại Hội nghị, một thông điệp được truyền tải rất rõ ràng đó là, việc bạn là ai không quyết định thành bại của chiến lược phát triển. Ngay cả một công ty khổng lồ của “Thời đại số” như Amazon phải thất thế, trong khi những “tay ngang” như New York Times và MT lại thành công với quyết định của mình. Điều này cho thấy nền tảng cố hữu của thành công, dẫu trong bất kì thời đại nào cũng không thay đổi: hiểu bản thân mình và hiểu thị trường. Khi nắm vững được châm ngôn “biết mình, biết ta” thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ thành công, kể cả trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như kỷ nguyên số hiện nay. Phải biết tập trung marketing sản phẩm của mình đúng với những ưu thế đặc biệt mà không sản phẩm nào có được; thứ hai, phải tạo ra sản phẩm đáp ứng được một nhu cầu rất lớn nào đó của người tiêu dùng, không nên là sản phẩm chỉ có giá trị “ăn theo”; thứ ba, phải biết “mình là ai”: tập trung vào thế mạnh chứ không nên đi vào lĩnh vực mình không có năng lực.

4. Dịch vụ Y tế di động (mobile Health care) tuy chưa phổ biến nhưng hứa hẹn sẽ là một mảng đầy tiềm năng nếu được khai thác tại thị trường Việt Nam. Với chuỗi giá trị bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ các nhà sản xuất thiết bị, nhà phát triển hệ điều hành, các công ty viễn thông, cho đến các chuyên gia y tế, bác sĩ, v.v. chắc chắn sẽ đem đến những cơ hội phát triển cho cộng đồng các Doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt trong khoảng thời gian mà các ngành nghề kinh doanh khác đang có xu hướng bão hòa hoặc khó có khả năng cạnh tranh. Hơn thế nữa, nếu các Hiệp định Thương mại Tự do sắp tới được ký kết và thực hiện, sự gia nhập của đội ngũ hùng hậu các Doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn sẽ là những đối thủ cạnh tranh rất lớn đối với các Doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy, để thành công, các Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt lợi thế của những người tiên phong.

5. Với một thị trường mới nổi như Việt Nam cùng với sự hiện diện của các thương hiệu nổi tiếng lâu năm trên thị trường chắc chắn sẽ là rào cản rất lớn cho những thương hiệu khác tiếp cận với khách hàng, bởi lẽ việc thay đổi thói quen tiêu dùng là một điều tương đối khó. Tuy nhiên trước khi thay đổi thói quen, người ta phải nghĩ đến việc thay đổi nhận thức trước. Trong một thị trường mà mọi thứ vẫn còn đang trong đà phát triển, kết hợp với những công cụ marketing thế hệ mới, mọi điều bất ngờ đều có thể xảy ra. Cách đây khoảng 10 năm, không ai nghĩ thương hiệu HTC hay SamSung, Apple, v.v. có thể thay thế được vị trí của Nokia trong lòng người tiêu dùng Việt. Thế nhưng thị trường Smartphone hiện nay chính là câu trả lời chính xác nhất. Với lợi thế “sân nhà”, các Doanh nghiệp Việt Nam am hiểu sâu sắc về thói quen tiêu dùng, cơ chế thể chế, cũng như các phân khúc thị trường, bên cạnh đó để xây dựng được một thương hiệu uy tín trong lòng khách hàng, ngoài việc chú ý phát triển những tính năng khác biệt, chất lượng của sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần truyền tải được những thông điệp đúng đắn, kết hợp với các kênh truyền thông có tính hiệu quả cao để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Vietnam Report