- “Chẳng có gì trong cuộc đời đến với bạn một cách dễ dàng” là thông điệp mà CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng chia sẻ tại hội thảo “You Can Do It 2016” diễn ra chiều 31/7.

“You Can Do It 2016” với chủ đề “Fight for Your Dream” (Chiến đấu vì ước mơ) muốn khích lệ các bạn trẻ nghĩ lớn, luôn khát khao khám phá thế giới rộng lớn và cổ vũ các bạn theo đuổi ước mơ tới cùng.

Bài thuyết trình của Đặng Việt Dũng về những thất bại, khó khăn trên con đường đến với Harvard Business School và đến với những thành công ngày hôm nay của anh thực sự đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ có mặt tại hội thảo thường niên của tổ chức US Guide.

{keywords}

CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng chia sẻ trong buổi hội thảo “You Can Do It 2016” do US Guide tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Bỏ học ĐH Bách khoa để theo đuổi tấm bằng Cử nhân của Amherst College in Massachusetts, ra trường được làm việc cho những công ty hàng đầu thế giới, sau đó anh tiếp tục chương trình MBA của Trường Kinh doanh Harvard. Sau một năm, Việt Dũng tạm dừng con đường học hành ở Harvard để theo đuổi giấc mơ đưa Uber về Việt Nam – một cơ hội “không đến hằng ngày” như anh chia sẻ.

Anh cho rằng thành công giống như những tảng băng trôi, chỉ có 1/10 là ở trên mặt nước. Hào quang ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng những nỗi xấu hổ, mồ hôi, nước mắt thì không ai nhìn thấy cả. Mọi người nhìn vào có thể thấy mọi thứ đến với Việt Dũng quá dễ dàng, nhưng theo như anh nói “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”.

“Năm đầu tiên học đại học, mình cũng mở một trung tâm gia sư cùng một người bạn. Lúc đầu thì tự đi dạy, tự quản lý, dần dần có mấy chục gia sư, nhưng sau thì lỗ chổng vó, mất mấy chục triệu. Mấy chục triệu khi đó cũng có giá trị. Từ sau lần thất bại ấy, mình rút ra một điều là làm gì cũng phải quyết tâm hơn, chứ không làm hời hợt” – Đặng Việt Dũng chia sẻ câu chuyện thất bại thời sinh viên.

Hay như những nỗ lực của anh trong năm đầu tiên đại học: học bổng 70% những vẫn phải đóng tới 15 nghìn đô. “15 nghìn đô với đồng lương giáo viên của bố mẹ mình không phải là nhỏ. Lúc đó bố mẹ nói nếu con học 2, 3 năm nữa mới xong, thì bố mẹ có thể bán nhà. Nhưng mình không để bố mẹ làm thế. Mình đã quyết tâm học rất tốt và người ta “transfer” cho mình sang trường Amherst là trường rất tốt ở Mỹ với học bổng toàn phần luôn, cũng tiết kiệm được vài nghìn đô cho bố mẹ”.

{keywords}

CEO 30 tuổi cũng chia sẻ về quãng thời gian làm việc ở McKinsey & Company. “Cả 4 năm đại học lần mình nói trước đông người nhất là với 3 thằng bạn. Nhưng công việc tư vấn chiến lược ở McKinsey ngoài những kỹ năng khác còn đòi hỏi kỹ năng thuyết trình, giải thích cho khách hàng… Lần đầu tiên mình phải trình bày trước các khách hàng là một ngân hàng lớn ở châu Á, mình run cầm cập. Sau hôm ấy mình tưởng mình bị đuổi việc mất rồi, vì người nghe bên dưới người thì ngáp, người thì ngồi bấm điện thoại… Nhưng những buổi sau nhờ luyện tập, vượt qua nỗi xấu hổ, mình nghĩ là mình cũng có một chút tiến bộ như ngày hôm nay”.

“Ông sếp ở McKinsey có nói với mình một câu rằng ‘bạn không học được gì trong vùng an toàn của mình cả’. Đã bao lâu rồi các bạn chưa làm một việc lần đầu tiên?” – Đặng Việt Dũng đặt câu hỏi với khán giả trong hội trường.

Có 3 yếu tố tạo nên thành công, theo Đặng Việt Dũng. “Trước tiên, bạn nên có một mục đích rõ ràng trong cuộc sống”.

“Mình làm cái này để làm gì? Để kiếm tiền, giúp ai hay là xây dựng cái gì cho bản thân mình… Đó cũng là câu mà chắc chắn các trường, dù bạn học PhD hay MBA, người ta sẽ hỏi. Và các bạn nên có câu trả lời cho riêng mình. Ngày trước, mình có “apply” vào Stanford, rất tiếc là Stanford không nhận mình. Câu hỏi trong bài luận mà họ hỏi, mình nghĩ 6 tháng để viết, đó là: “Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Và tại sao?”. Tại sao còn quan trọng hơn là cái gì”.

“Thứ hai là khả năng tự suy nghĩ. Khi ngồi trong một khán phòng mà tất cả mọi người đều có cùng một ý tưởng như nhau thì có thể không ai suy nghĩ gì cả”.

“Thứ ba là bền bỉ, bền chí. Như một bài hát của Trần Lập có câu “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”.

“Trải nghiệm đáng quý nhất của mình ở Havard Business School là trước khi đi học, mình là một người khá ngạo mạn. Các bạn bên đấy thì rất giỏi, rất cầu thị. Bạn gái ngồi phía sau mình là con của một tỷ phú. Có lần mình hỏi, vậy bạn còn đi học để làm gì. Nhưng bạn ấy bảo, bố bạn ấy có nói rằng – một câu mà mấy ông tỷ phú hay nói – là ‘nếu chúng giỏi hơn mình thì cần gì phải cho chúng tiền, còn nếu chúng kém hơn mình thì cho tiền chúng chỉ làm hỏng chúng thôi’. Và bạn ấy nói rằng bạn ấy vẫn tự vay tiền để đi học, chứ không lấy tiền của bố”.

Việt Dũng cho biết có những câu chuyện rất ý nghĩa, rất hay, rất vĩ đại mà anh được trải nghiệm trong thời gian học tập ở Mỹ và “mình thấy mình nhỏ bé trong thế giới còn có quá nhiều việc phải làm”.

“Có một truyền thống ở các trường đại học Mỹ, là khi kết thúc một lớp, sinh viên thường đến gặp riêng giáo sư để xin những lời dặn dò, những lời khuyên cuối cùng. Có một  giáo sư đã nói thế này: “Trong đời nên có 4 chữ ‘l’, đó là: “live” (sống),  “love” (yêu), “learn” (học tập) và “leave legacy” – nghĩa là để lại gì đó cho đời”.

Nguyễn Thảo