Chỉ trong vòng 45 ngày, tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn I của đề án Khám chữa bệnh từ xa đến hơn 1.100 cơ sở y tế trên cả nước.
Từ những bệnh viện hạng đặc biệt cho đến các cơ sở y tế tại Mường Nhé, Cô Tô, Côn Đảo, tất cả đều có thể kết nối với nhau trong các buổi hội chẩn trực tuyến. Chất lượng đường truyền, âm thanh, đặc biệt là các tính năng chuyên biệt dành riêng cho ngành y tế đã được các kỹ sư ở Viettel Solutions đảm bảo tốt giúp các buổi hội chẩn, hỗ trợ phẫu thuật các ca bệnh phức tạp từ xa diễn ra thành công.
Con đường phát triển mạnh mẽ của Telehealth đã có những bước khởi đầu ngoạn mục. Trong tương lai, để phát huy thế mạnh của nền tảng công nghệ này, những việc VTS cần làm là gì?
Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng giám đốc Viettel Solutions, cho biết chủ trương của Bộ Y tế là triển khai hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc. Số lượng các cơ sở y tế cần triển khai là 14.000. Đó sẽ là đích đến tiếp theo của Telehealth.
CEO Viettel Solutions: Telehealth sẽ được tối ưu hóa để ai cũng có thể sử dụng được |
PV: Là một nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng công nghệ, ông có thể mô tả bức tranh tương lai của Telehealth ở Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống Telehealth để phát huy năng lực chẩn đoán hình ảnh. Công nghệ này sẽ hỗ trợ các bác sĩ tăng tốc độ chẩn đoán hình ảnh và xem xét kỹ các trường hợp khó.
Nhiều tổ chức, công ty trên thế giới và Việt Nam cũng đã nghiên cứu về việc ứng dụng AI vào chẩn đoán hình ảnh trong ngành y tế. Việt Nam cũng có thể tiếp cận công nghệ này và có trình độ tương đương với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, AI đòi hỏi phải có đủ số lượng ảnh, mẫu xét nghiệm để học và hoàn thiện. Về vấn đề này, chúng ta cần vài tháng để làm được điều đó.
Ngoài ra, Telehealth sẽ được kết hợp với các nền tảng khác như hệ thống quản lý truyền hình ảnh, backup Cloud (Dịch vụ sao lưu dữ liệu). Đồng thời, VTS còn hướng đến việc phát triển các thiết bị cá nhân như máy cầm tay, đeo tay hoặc thiết bị dùng trong gia đình cho phép bác sĩ có thể nắm bắt được nhiều thông tin về lâm sàng của người bệnh hơn mà không cần đến gặp trực tiếp.
Còn nhiều hướng khác để phát triển hệ thống Telehealth, nhưng về cơ bản là nền tảng này sẽ cho phép các nhà phát triển ứng dụng ra mắt các sản phẩm khác nhau để cung cấp các công cụ hoàn chỉnh cho bác sĩ, bệnh nhân và người dân.
PV: Yếu tố nào sẽ giúp Telehealth có thể trở thành dịch vụ quen thuộc trong đời sống?
Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Đứng về góc độ người dùng, sản phẩm này cần được xây dựng dựa trên tiêu chí tối ưu việc đơn giản hóa để ai cũng có thể sử dụng, vận hành được.
Nhìn về góc độ chính sách, muốn Telehealth phát triển, các cơ chế của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế cần được ban hành sớm. Khi phát huy được sự liên hoàn giữa cơ chế khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế thì nền tảng này sẽ có tương lai rộng, đi vào cuộc sống của từng người dân.
PV: Các kỹ sư của VTS đã, đang và sẽ làm gì để chuyển giao công nghệ đến các bệnh viện, bác sĩ?
Quá trình chuyển giao chắc chắn sẽ được tiến hành. Bởi khi số lượng bệnh viện kết nối qua hệ thống lớn, VTS không thể vận hành thay cho các nhân viên y tế như thời điểm chỉ có một vài điểm cầu. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho tiến trình này bằng cách thành lập Trung tâm vận hành Telehealth. Trung tâm này sẽ phụ trách 2 nhóm việc: Hỗ trợ các bệnh viện mới kết nối vào hệ thống, giúp các bệnh viện cũ vận hành hệ thống và xử lý nếu xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng các quy trình từ vận hành, thiết lập buổi hội chẩn trực tuyến… để đẩy nhanh quá trình chuyển giao cho từng bệnh viện, tiến tới việc các cơ sở y tế tự làm chủ hệ thống. Viettel đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vì vậy, tôi hy vọng quá trình chuyển giao sẽ trơn tru và sớm kết thúc.
PV: Có thể thấy, các bệnh viện đang sử dụng hệ thống Telehealth của VTS cung cấp đều cảm thấy hài lòng. Làm thế nào để các kỹ sư của Viettel có thể hiểu điều bác sĩ muốn và cung cấp đúng những gì mà bác sĩ cần?
Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Thứ nhất, muốn phát triển bất cứ hệ thống nào để có thể ứng dụng vào thực tế, chắc chắn, điều đầu tiên VTS cũng như các đơn vị khác phải tìm hiểu các mô hình ở nước ngoài. Telehealth cũng tương tự. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu thêm các kiến thức về Telemedicine.
Thứ 2, chúng tôi xây dựng mối quan hệ, mạng lưới tương đối tốt với nhiều bác sĩ đầu ngành. Đó là những chuyên gia cung cấp những yêu cầu và hỗ trợ Viettel trong việc phát triển sản phẩm.
Thứ 3, Viettel phải tăng cường làm việc với các nhà quản lý y tế bao gồm giám đốc, ban lãnh đạo các bệnh viện ở các mô hình khác nhau cũng như các chuyên gia của Bộ Y tế để hiểu đúng và phát triển nhanh các yêu cầu và đưa vào áp dụng thực tế. Yêu cầu nóng nhất, hiệu quả nhất thì đưa vào trước. Đó là cách chúng tôi đang làm.
PV: Để Telehealth trở thành “cánh tay thứ 3” của bác sĩ thì hệ thống này cần hoàn thiện thêm những điểm gì?
Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Đầu tiên, bác sĩ khám chữa bệnh thông qua Telehealth cũng cần được bảo vệ theo chính sách của Bộ Y tế giống như các bác sĩ đang thăm khám trực tiếp.
Về góc độ công nghệ, khi bác sĩ khám cho bệnh nhân họ sử dụng nhiều giác quan, kỹ thuật khác nhau như nghe, nhìn, sờ. Vì vậy, để đáp ứng được điều này, các thiết bị hỗ trợ từ xa cho bác sĩ cần tiếp tục hoàn thiện.
Ví dụ, bác sĩ nhìn từ xa cũng phải giống như đang nhìn trực tiếp, muốn làm được điều đó thì mức độ hiển thị phải rõ ràng, trực quan nhất. Các thiết bị thăm khám cung cấp chỉ số của bệnh nhân cũng cần hoàn thiện hơn về độ chính xác. Với các lĩnh vực liên quan xét nghiệm, bài toán đặt ra là làm thế nào có thể xét nghiệm chính xác từ xa.
Khi giải quyết được các vấn đề này trôi chảy, cơ bản các bác sĩ sẽ có “cánh tay thứ 3”.
PV: Việc kết nối với các chuyên gia nước ngoài để tham vấn ý kiến đối với các ca bệnh khó đồng thời nâng cao trình độ của bác sĩ Việt Nam có gặp khó khăn khi sử dụng Telehealth?
Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Về việc này, các bệnh viện không gặp vấn đề gì lớn về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cung cấp nền tảng cho phép các bác sĩ ngồi tại các nơi khác nhau đều có thể trao đổi, hội chẩn chuyên môn. Toàn bộ kết nối trong hệ thống Telehealth đều không có vấn đề, đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn để kết nối với các cơ sở y tế trên thế giới.
Việc kết nối với các bác sĩ Việt Nam và nước ngoài chỉ phụ thuộc vào vấn đề quy trình phối hợp và thời gian. Đó là quy trình chuẩn bị trao đổi thông tin giữa các đối tác, sự kết hợp giữa các bệnh viện với nhau.
PV: Đại dịch Covid-19 là cú hích giúp Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa.Tuy nhiên, để có thể xây dựng hệ thống với quy mô lớn, bài bản, đồng bộ trong thời gian ngắn như vừa qua, chắc chắn VTS đã có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị lâu dài trước đó?
Khi Telehealth phát triển, được triển khai đầy đủ các tính năng thì số lượng người dùng, bệnh nhân sẽ thực sự rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm xử lý công việc trong thời gian ngắn. Trong khoảng 2 tháng để thiết lập được hơn 1.000 điểm cầu, chúng tôi cần có sự chuẩn bị chi tiết, kế hoạch bài bản và tận dụng sức mạnh của Viettel ở tất cả các chi nhánh trên toàn quốc. Nếu không có những điều đó thì chúng tôi không làm được. Đây cũng là ưu điểm mà Viettel đã có sẵn.
Ngoài ra, để thành công, chúng tôi phải song hành với các đối tác có nền tảng tốt. Ví dụ, với hệ thống liên quan đến video conference chúng tôi phải tìm các đối tác hàng đầu như Cisco hay Polycom. Việc tìm kiếm đối tác tốt nhất giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và đảm bảo khả năng thành công.
Trần Long