Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, hầu như cuộc thi hoa hậu năm nào cũng có đơn thư tố cáo. Ban tổ chức "đau đầu" nhất khi scandal lại rơi vào những thí sinh tiềm năng.
- Khi đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 chuẩn bị diễn ra, một số thí sinh như Nguyễn Thành, Lê Trần Ngọc Trân liên tiếp vướng scandal. Với trường hợp thí sinh Nguyễn Thành, ông cho rằng hình phạt loại khỏi cuộc thi có thích đáng?
- Tôi không biết cụ thể trường hợp này như thế nào. Tôi tin là Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã đủ căn cứ để tiến hành giải quyết đúng với quy chế cuộc thi.
- Việc làm răng có nằm trong quy chế cấm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trước đây không, thưa ông?
- Theo quy chế tổ chức các cuộc thi người đẹp ở nước ta mà tôi biết, thì cuộc thi Hoa hậu Việt Nam không chấp nhận các thi sinh giải phẩu thẩm mỹ . Trường hợp trên có lẽ cũng vi phạm quy chế này chăng?!
- Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, khi ông còn là Trưởng Ban tổ chức, đã xảy ra những trường hợp tương tự nào?
- Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988 do chúng tôi tổ chức không có bất cứ lùm xùm nào, không hề có đơn thư tố cáo. Còn các cuộc thi sau đó đều có, không nhiều thì ít, những vấn đề phải giải quyết trong quá trình diễn ra cuộc thi.
Ảnh trái: Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, từng tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trước đây. Ảnh: NVCC Ảnh phải: Người đẹp Nguyễn Thị Huyền từng vướng lùm xùm trước đêm thi chung kết HHVN 2004. Ảnh: BTC |
Thi hoa hậu là một sinh hoạt văn hóa mới ở nước ta. Là cuộc thi sắc đẹp liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm, nếu có việc này việc khác cũng là đương nhiên thôi. Vấn đề là giải quyết như thế nào cho tốt. Giải quyết những vấn đề liên quan đến con người, nhất là người đẹp phải hết sức thận trọng, khách quan và nhân văn. Có những việc xảy ra lâu rồi và người trong cuộc đã yên bề gia thất nên tôi không muốn kể lại.
- Khi xuất hiện tin đồn, Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam cũng như cá nhân ông, gặp những áp lực gì trong việc tìm phương án giải quyết phù hợp?
- Khi xuất hiện những tin đồn hay đơn thư tố cáo, ban tổ chức phải xem xét kỹ, nhất quyết không bỏ qua trường hợp nào. Áp lực lớn nhất là khi rơi vào những thí sinh sáng giá, có khả năng trở thành hoa hậu hay á hậu, trong khi đó thời gian để Ban tổ chức đi xác minh còn rất ít.
Nhưng dù khó khăn đến đâu, dù nửa đêm gà gáy, chúng tôi cũng phải đi xác minh đầy đủ, thận trong và khách quan. Như trường hợp của Nguyễn Thị Huyền (có người tố cô bị đánh ghen trước thềm chung kết HHVN 2004 - PV) mà bạn đề cập, thời gian chỉ còn một buổi chiều trước đêm chung kết. Nhưng anh chị em ở báo đã làm rất tốt, xác minh đầy đủ, chính xác. Cuối cùng Nguyễn Thị Huyền đăng quang, sau đó tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới và đạt giải cao. Tôi nhớ thời đó còn tạo ra một cơn sốt ngưỡng mộ Nguyễn Thi Huyền.
- Quá trình kiểm tra nhân trắc học và thẩm định hồ sơ thí sinh trước đây thường diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi kiểm tra qua nhiều vòng, nhiều khâu - từ sơ tuyển đến sơ khảo, chung khảo khu vực đến chung khảo toàn quốc. Từ hồ sơ đến kiểm tra nhân trắc học và những thông tin mà chúng tôi có được qua nhiều kênh khác nhau.
Như tôi đã nhiều lần nói là phải có ba dấu đỏ: chính quyền, công an, cơ quan hoặc nhà trường nơi thí sinh công tác, học tập.
Nhưng như vậy cũng chưa đủ, tôi thường nói với các thành viên trong ban tổ chức rằng 'Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật và nếu là sự thật thì biết đâu đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác'. Liên quan đến con người, nhất là người đẹp phải rất thận trọng và nhân văn.
Trên 20 năm làm trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất, tôi luôn thấm nhuần quan điểm thận trọng, khách quan, công bằng và nhân văn. Có nhiều thi sinh khi bị phát hiện vi phạm quy chế thi, chúng tôi đã vận động họ tự nguyện rút lui. Ban tổ chức quyết giữ bí mật để không làm tổn thương những thí sinh đó.
Với một số trường hợp, chỉ ít người trong ban tổ chức và ban giám khảo biết. Chúng tôi cũng hứa không bao giờ công khai cho bất cứ ai những khiếm khuyết, thiếu sót của những thí sinh đó.
Nhưng, cuộc đời vốn vô thường, dù chúng tôi thận trọng đến đâu vẫn có thể có những sai sót.
- Theo ông, Ban tổ chức có lỗi hay không khi đã không làm tốt khâu kiểm tra, thẩm định ngay từ đầu và để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như ở Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa qua?
- Như tôi đã nói ở trên, cuộc đời vốn vô thường, dù thận trọng đến đâu vẫn có những điều bất khả kháng. Và ở lĩnh vực nào cũng vậy, vấn đề là anh phải kịp thời nhận ra bằng cái tâm trong sáng của mình và biết cách khắc phục tốt nhất.
Theo Zing