- “Vợ tui bị tai biến nằm liệt giường, 2 đứa con tui bị tâm thần chỉ biết khóc, biết cười 25 năm nay. Nhiều khi chỉ muốn chết cho đỡ cơ hàn nhưng nhìn mẹ con nó tui thật không nỡ”. Ông Phước xót xa.
TIN BÀI KHÁC
Từ xưa, Tân Lập được biết là làng nghèo nhất xã Khánh Sơn thường gắn liền với tên gọi quen thuộc là “làng khuất mặt trời”. Nơi đây chứa đựng những mảnh đời bất hạnh nhất mà ai nhìn cũng không thể kìm lòng.
25 năm trời sống trong vô thức
Ông Hà Ngọc Phước (SN 1954) trú tại xóm 3, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Đang một tay gánh vác gia đình, chăm lo cho vợ bệnh, con tật.
Ông có tất cả 7 người con, trong đó có 2 người sinh ra bị tâm thần phân liệt là em Hà Ngọc Ý (SN 1990) và em Hà Thị Thơ (SN 1992). Cả 2 em đều nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do ông Phước tự tay làm.
Khi sinh ra, các em đã không được bình thường, cha mẹ đã vô cùng vất vả để chăm sóc nhưng càng ngày, sự vất vả đó càng tăng lên gấp bội.
“Suốt hai mươi mấy năm trời, vợ chồng tui lau nước mắt mà chăm con chứ không biết kêu ai. Bất luận là ngày hay đêm, bọn trẻ khóc là phải chạy đến ôm dỗ dành”. Ông Phước sụt sùi.
Hai em bị liệt chỉ ngồi và nằm trên chiếc chõng tre, vẻ mặt ngơ ngác, vô thức nhìn khắp mọi phía, thi thoảng cười ngây ngô và có lúc gào thét khiến người xung quanh giật mình sợ hãi.
Có những lúc lên cơn, cả Ý lẫn Thơ đều quằn quại, vật lộn không ai giữ được, rơi từ trên chõng xuống nền nhà. Rồi cứ thế tự cắn vào tay chân của mình đến chảy máu, bầm tím. Những lúc như thế, ông bà Phước chỉ biết chắp tay lại trời, ngồi khóc bên con.
Thầm nghĩ, cứ như thế này thì tội cho con nên cả 2 vợ chồng ông đóng cũi gỗ cho 2 cháu nhưng ai ngờ làm thế thì sức tàn phá của nó càng khốc liệt hơn. Chúng đều ra sức cắn phá những thanh gỗ đến gãy răng, nhai ngấu nghiến rồi nuốt và lại cười trong đau đớn.
Cảnh tượng thật đắng lòng khi các em cũng không ý thức được những gì mình đang làm.” Nhặt được cái gì, nắm được trong tay kể cả thanh gỗ hay con gà là con tui lại đưa vào mồm nhai và nuốt. Vợ chồng tui phải thay nhau trông chừng tụi nhỏ”. Ông Phước chia sẻ.
Cái khổ nhất của người làm cha như ông Phước là cháu Hà Thị Thơ bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc mẹ cháu lâm bệnh nặng, tự tay ông cơm nước giặt giũ, vệ sinh cá nhân cho cả Ý và Thơ.
Con càng thêm tuổi ông Phước càng đuối sức, có những hôm đi làm đồng về mệt nhọc ông cũng phải thức trắng đêm để trông chừng khi nó lên cơn gào thét, vật vã. Sáng mai thức dậy nhìn cơ thể thâm tím, bầm dập sau những “trận đòn” mà tự con gây ra lòng ông như dao khứa.
(ảnh minh họa) |
Nhìn bên phải là con, bên trái là vợ, người đau kẻ ốm còn ông đứng giữa lau hai dòng nước mắt mà không sao cạn được.
Tiền mua gạo còn không đủ, lấy đâu trả nợ
Bà Phạm Thị Phước (SN 1951, vợ ông Phước), bệnh tật kéo dài triền miên bỏ lại mấy sào ruộng mình chồng bươn chải, số ngày nhập viện còn nhiều hơn là ở nhà.
Mỗi lần khăn gói vào viện lòng bà đau đáu nhìn 2 đứa con thơ dại, vô thức. Phần vì thương con, phần lớn thương chồng gánh vác mọi việc, bà lại nghẹn đắng nơi cổ họng không sao nuốt trôi được.
Ngày 6/8/2014, bà Phước nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị tai biến mạch máu não. Bà điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An được hơn nửa tháng thì chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền.
Gia cảnh éo le, nguồn sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên số tiền nhập viện chữa trị hoàn toàn vay mượn, đến nay số tiền đã lên tới 60 triệu đồng. Gần đây người đến hỏi nợ nhưng ông đều xin khất tạm vì bán lúa với ngô không sao đủ được.
Vợ ốm, con đau, khi tâm sự người đàn ông không kìm nổi nước mắt: “Tui thương vợ con tui lắm, nếu như có một điều ước trong trăm ngàn điều ước, tui chỉ ước mình mang thay bệnh cho vợ con. Nhà nghèo đến bữa ăn còn tính, giờ lấy đâu ra tiền trả nợ bây giờ”.
Đưa mắt nhìn hai đứa trẻ ngây ngô và nhìn tấm thân người cha già mái tóc sương muối, khiến chúng tôi không nỡ bước đi và nước mắt cứ thế tuôn trào.
Được biết tình trạng bệnh của bà Phước diễn biến ngày càng xấu, nửa thân dưới bị liệt hoàn toàn không thể tự mình đi lại được.
Tiễn chúng tôi ra về, ông níu tay khẩn cầu nhờ giúp đỡ để vợ ông sớm khỏe về bên gia đình, dù không lao động được, sẽ thêm phần gánh nặng nhưng hằng ngày có thể nhìn thấy bà Phước thì việc chăm bọn trẻ với ông sẽ vơi đi phần nào.
Mai Anh
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Hà Ngọc Phước (SN 1954) trú tại xóm 3, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ gia đình ông Hà Ngọc Phước ở Nghệ An). - Qua TK ngân hàng Vietcombank: Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội - Chuyển khoản từ nước ngoài: - Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER - The currency of bank account: 0011002643148 -Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM -Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam -SWIFT code: BFTVVNVX - Qua TK ngân hàng Viettinbank: Chuyển khoản: Báo VietNamnet Số tài khoản: 1020.1000.158.2330 Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội - Chuyển tiền từ nước ngoài: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand - Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội - Swift code:ICBVVNVX122 3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet: - Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội - Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881 Email: banbandoc@vietnamnet.vn |