- Suốt 6 năm nay, người cựu binh già, thương binh hạng 2/4 nằm liệt giường, bị tiểu đường, teo não, chỉ nghe mà không nói được gì. Từ hôm nghe tin con trai trên chiếc máy bay Casa gặp nạn đến giờ ông chỉ nằm khóc.

Cuộc điện thoại cuối cùng: Con khuyên mẹ nghỉ ngơi

Chúng tôi có mặt tại nhà bà Phùng Thị Thuận (68 tuổi, thôn Thiên Kiều, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương), mẹ của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu (SN 1976, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918), hiện đang mất tích sau tai nạn trên chuyến phi cơ Casa 212 vừa qua. Khi đó, bà Thuận đang ngồi bên chiếc ghế trước cổng, tay chống lên cằm, đôi mắt người mẹ ấy nhìn xa xăm, buồn bã...

{keywords}
Bà Phùng Thị Thuận gạt nước mắt cố cứng rắn để làm chỗ dựa cho gia đình.

Tiếp chuyện phóng viên, bà Thuận không giấu nổi những giọt nước mắt và vẻ lo lắng. Hôm nay, nhiều báo đài đưa tin về việc vớt được một số thi thể tại khu vực máy bay Casa 212 gặp nạn. Tuy vậy, bà Thuận vẫn quả quyết: “Tôi không tin đó là thi thể của những quân nhân”, “cả nhà tôi vẫn ngày ngày đợi tin tức của con trai”.

Kể lại với PV, bà Thuận cho biết, bà nhận được cuộc điện thoại cuối cùng của anh Chu là khoảng 7 giờ sáng ngày 16/6. Khi ấy, bà Thuận đang ở vườn vải để mót những quả vải không bị rám nắng đem ra chợ bán, lấy tiền trang trải. Biết mẹ vất vả anh Chu liền khuyên mẹ nghỉ ngơi: “Nó hỏi thăm sức khỏe tôi rồi bảo đi về nhà nghỉ cho đỡ nắng, hôm nào sẽ gửi tiền về hỗ trợ, giờ chuẩn bị đi làm nhiệm vụ”.

Tâm sự về con trai mình, bà Thuận cho hay: “Chu được học hành cao nhất nhà, tính cách hiền lành, sống tình cảm lắm. Mỗi lần được nghỉ phép là cả gia đình lại về thăm quê. Nó vào xoa bóp cho bố, rồi thấy thiếu cái gì lại chạy đi mua, từ cái bát, cái đũa tới đồ thờ cúng đều do nó sắm sửa”.

Theo thông tin từ người nhà Thiếu tá Chu, ông Nguyễn Ngọc Thắng (70 tuổi, bố anh Chu) từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trở về với thương tích đầy người, bị mất chân phải và nhiễm chất độc da cam, hưởng chế độ thương binh hạng 2/4. Suốt mấy năm nay, ông Thắng nằm liệt giường, bị tiểu đường, teo não, chỉ nghe mà không nói năng được gì. Từ hôm nghe tin con trai trên chiếc máy bay gặp nạn đến giờ ông chỉ nằm khóc.

 {keywords}

(Ảnh: QPVN)

Gạt nước mắt, người mẹ già yếu trải lòng: “Tôi có 5 người con, chỉ mình nó theo nghiệp nhà binh của bố. Tất cả những gì có được hôm nay đều là nhờ sự cố gắng không biết mệt mỏi của bản thân”

Kể về quá trình phấn đấu của thiếu tá Chu, bà Thuận cho biết, sau khi học hết lớp 12, Thiếu tá Chu tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự, đóng quân tại Quảng Ninh. Hoàn thành nghĩa vụ, anh tiếp tục học và thi đỗ vào Học viện Phòng không Không quân. Ra trường, anh được phân công về công tác tại thị trấn Kép (Bắc Giang).

Ít năm sau, Thiếu tá Chu xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1981). Cách đây 3 năm, anh được chuyển về Lữ đoàn không quân 918 đóng tại huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Hiện tại, anh Chu có hai người con nhỏ (con gái lớn 7 tuổi, con trai thứ hai 5 tuổi), cả nhà đang sinh sống ở Hà Nội. Trước khi phi hành đoàn gặp nạn khoảng 20 ngày, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu có về nhà chơi sau đó đến đơn vị công tác.

Người mẹ gạt nước mắt: “Tôi phải cứng rắn…”

Những ngày này cả nhà như xáo trộn, thấp thỏm lo âu, đợi tin tức của con trai. Gương mặt bà Thuận cố gắng thể hiện sự cứng cỏi, nhưng ẩn sau đó là nỗi lòng như bị dao cứa. Bà Thuận buồn rầu: “Giờ tôi cũng suy sụp và gục xuống thì ai sẽ chăm lo cho gia đình này đây”

Bà Thuận nói nhiều lần muốn đi chơi đây đó, thế nhưng vì chồng ốm đau nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều một tay bà chăm lo nên không yên tâm để chồng ở nhà một mình. Giờ con trai gặp tai nạn chưa biết tình hình thế nào, cả nhà ai nấy đứng ngồi không yên.

{keywords}

Gia đình Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu có hoàn cảnh khó khăn, bố nằm liệt giường 6 năm nay. Ảnh: GĐ&XH

Anh Nguyễn Văn Cả, anh trai của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu đã nhanh chóng bay từ TP. HCM ra Hải Dương khi nhận được hung tin. Anh buồn rầu chia sẻ: "Bây giờ cả gia đình tôi chỉ biết ngóng chờ thông tin. Mong rằng, Chu sẽ bình an".

Ông Đào Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết, gia đình Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu có hoàn cảnh rất khó khăn, bố là thương binh nặng hạng 2, khoảng 6 năm nay, bố anh Chu nằm liệt giường, không biết gì và phải có người chăm sóc.

Cũng theo ông Liêm, khi biết tin anh Chu cùng đồng đội gặp nạn trên biển, Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Hà và lãnh đạo địa phương đã đến hỏi thăm, động viên và tặng quà gia đình.

“Trong trường hợp bên quân sự cấp trên đề nghị địa phương giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng” - ông Liêm nói.

Đoàn Bổng - Nhị Tiến