- Trước đây, tôi với cô ấy chưa kết hôn mà có một đứa con chung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà tôi chưa thừa nhận đứa con này. Bây giờ tôi thấy muốn làm thủ tục nhận lại đứa con rơi của mình. Mẹ của cháu bé lại không đồng ý cho tôi làm thủ tục nhận lại con. Giờ tôi phải làm thế nào để có thể nhận lại con của mình để đảm bảo quyền lợi cho cháu. Mong luật sư tư vấn giúp.
Luật sư Nguyễn Thành Công tư vấn: Theo những gì mà bạn trình bày và mong muốn của bạn là làm cách nào để nhận lại đứa con “rơi” của mình trong khi mẹ cháu bé không đồng ý. Tôi đưa ra phương hướng giải quyết như sau :
Trước hết, cần khẳng định rằng, bạn có quyền nhận lại con của mình theo quy định tại Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Tiếp theo, cần xác định trường hợp của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào.
Theo quy định tại Điều 101 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này…”.
Như vậy, để xác định thẩm quyền giải quyết cho việc nhận lại con của bạn thuộc cơ quan nào thì cần xem xét trường hợp của bạn có tranh chấp hay không khi mẹ cháu bé không cho bạn làm thủ tục nhận lại con.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện để đăng ký nhận cha, mẹ, con thì “việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha mẹ con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha mẹ con và việc nhận cha mẹ con là tự nguyện không có tranh chấp giữa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc nhận cha mẹ con". Mà theo Công văn số 9310/BTP-HCTP ngày 21/11/2012 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Nghị định 06/2012/NĐ-CP và Thông tư số 05/2012/TT-BTP thì xác định rằng: “Hiện nay chưa có hướng dẫn “những người có quyền và lợi ích liên quan” đến việc nhận cha, mẹ, con gồm những ai.
Từ quy định trên thì hiểu rằng, trước hết phải gồm các bên liên quan trực tiếp đến việc nhận cha, mẹ, con như: người nhận hoặc người được nhận là cha; người nhận hoặc người được nhận là mẹ; người nhận hoặc người được nhận là con. Quan trọng nhất là phải có sự tự nguyện, không có tranh chấp giữa những người này.
Đồng thời, pháp luật cũng không quy định bắt buộc phải có ý kiến đồng ý của người liên quan khác (thuộc hàng thừa kế thứ nhất - vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết). Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết việc đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu có tranh chấp giữa những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha, mẹ, con tức là người có quyền, lợi ích liên quan khác, thì việc nhận cha, mẹ, con theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP cũng không thực hiện được (theo thẩm quyền của Cơ quan đăng ký hộ tịch cấp xã)”.
Trong trường hợp của bạn, vì mẹ cháu bé thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cháu bé nên nếu người này không đồng ý cho bạn làm thủ tục nhận lại con thì được xem là có tranh chấp.
Ngoài ra, theo Điều 34, Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con như sau: “Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự…”. Do đó, việc mẹ cháu bé không đồng ý cho bạn làm thủ tục nhận lại con tiếp tục được xác định là có tranh chấp.
Như vây, từ việc xác định trường hợp của bạn là có tranh chấp nên có thể biết được cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nhận lại con của bạn là tòa án. Do đó, bạn có thể khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện do trường hợp của bạn thuộc quy định tại khoản 4, Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi năm 2011 để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng để giải quyết việc nhận lại con cho bạn.
Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công đoàn luật sư TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc