- Sau khi vợ qua đời một thời gian ngắn, người đàn ông bỏ nhà đi nhiều năm. Tìm cha không thấy, con ông đã nộp đơn đề nghị tòa án tuyên cha mình đã chết. Căn nhà của vợ chồng ông đã được các con đem bán.

Đề nghị tòa tuyên cha đã chết

Theo nội dung vụ việc, năm 2009, bà T.L. (SN 1983, TP.HCM) nộp đơn đến TAND quận 10 yêu cầu tòa tuyên bố cha mình là ông Nguyễn Văn Quang (SN 1957, ngụ quận 10, TP.HCM) là đã chết.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Quang, người cha tưởng đã chết có mặt tại tòa án   
Theo đó, bà L. trình bày: cha mẹ bà có 5 người con, tất cả đều là con gái. Năm 1995, mẹ bà qua đời. Một năm sau, cha bà là ông Nguyễn Văn Quang cũng bỏ nhà đi. Sau thời gian tìm kiếm nhiều nơi nhưng không có kết quả, bà đã làm thủ tục nhắn tin tìm kiếm người thân trên các phương tiện thông tin, đại chúng. Hơn 10 năm đã trôi qua nhưng không thấy ông trở về, vì vậy, bà yêu cầu tòa tuyên bố ông Quang đã chết để giải quyết một số vấn đề liên quan.

Đề nghị trên của bà L. được cả bốn chị em gái ruột của bà đồng thuận. Căn cứ vào đơn yêu cầu của bà L., xác nhận của công an phường, TAND quận 10 xét thấy có đủ cơ sở xác định ông Nguyễn Văn Quang (SN 1957, ngụ đường Nguyễn Kim, phường 6, quận 10) đã bỏ nhà đi từ năm 1999. Gia đình ông đã thực hiện các biện pháp tìm kiếm nhưng quá thời gian theo quy định của pháp luật ông vẫn không trở về. Không biết hiện ông Quang còn sống hay đã chết nhưng xét theo quy định của pháp luật, việc con gái ông yêu cầu tòa tuyên cha đã chết là phù hợp, có căn cứ pháp luật.

Từ đó, ngày 20/3/2009, TAND quận 10 (TP.HCM) tuyên chấp nhận yêu cầu của bà L., tuyên bố ông Nguyễn Văn Quang đã chết.

Do bà L. không xác định được ngày, tháng biết được tin tức cuối cùng của ông Quang nên căn cứ theo khoản 1 điều 78, điểm đ, khoản 1, điều 81, điều 82 Bộ luật dân sự, tòa án xác định ngày chết của ông Quang là 1/1/2005.

Vì ông Quang được xác định là đã chết nên kể từ ngày quyết định tuyên bố ông đã chết có hiệu lực pháp luật, các quan hệ về hôn nhân gia đình và quan hệ nhân thân khác của ông được giải quyết như đối với một người đã chết. Các quan hệ về tài sản của ông Quang được giải quyết theo pháp luật thừa kế. Do đó, sau thời gian quy định, căn nhà của vợ chồng ông đã được các con đem bán.

"Người chết" trở về...

Năm 2013, ông Quang trở về và làm đơn ra TAND quận 10 đề nghị hủy quyết định tuyên bố mình đã chết mà tòa án quận này đã ban hành trước đó.

Trình bày với tòa, ông Quang cho biết sau khi vợ chết, công việc làm ăn không thuận lợi nên ông về quê. Sau đó, ông xuống Kiên Giang nuôi tôm. Do đặc thù công việc, ông thường phải ở lại cơ sở, lâu lâu mới về thăm nhà ở phường 6, quận 10, TP.HCM.

Ông cũng cho rằng, trong thời gian ông vắng mặt tại địa phương, các con ông đã cắt hộ khẩu của ông và không cho ông vào nhà. Buồn phiền vì con nên từ đó ông càng ít về hơn. Sau đó, các con ông làm thủ tục đề nghị tuyên bố ông đã chết để chiếm đoạt tài sản, bán nhà.

Ba năm sau kể từ ngày "đã chết", trong lần về thăm nhà, ông Quang phát hiện vụ việc nên yêu cầu TAND quận 10 hủy quyết định tuyên bố ông đã chết. Sau thời gian thụ lý, năm 2013, TAND quận 10 ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố ông Quang đã chết mà tòa này đã ra trước đó.

Bản quyết định cũng nêu mọi quan hệ nhân thân của ông được khôi phục, ông có quyền yêu cầu những người con đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn. Cũng sau quyết định này, người đàn ông lại tiếp tục hành trình "tìm lại chính mình" thông qua các thủ tục, giấy tờ xác nhận nhân thân và liên quan đến tài sản.

Trao đổi xung quanh quy định pháp lý về vấn đề này, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) viện dẫn các điều 81, điều 82, điều 83 Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo đó, điều 81 quy định người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. 

Thứ 2, biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. Thứ 3, bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và cuối cùng là người đó biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.

Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. Khi một người bị tuyên là đã chết, hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được giải quyết theo điều 82 BLDS. Theo đó, khi quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

Thứ 2, quan hệ tài sản của người bị toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.

Trong trường hợp này, việc TAND quận 10 ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố ông Quang đã chết là đúng quy định pháp luật. Lúc này, quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết (tức ông Quang) được khôi phục. Ông có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

M.Phượng