Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5.

Với chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước - quyết định việc lựa chọn tư vấn thẩm tra theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tư vấn thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm, phát huy tối đa hiệu quả và tiết kiệm trong công tác thuê tư vấn thẩm tra.

"Bộ KH&ĐT rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thuê nhà thầu tư vấn thẩm tra dự án" - thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

{keywords}
Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5 có tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng (Ảnh: Quang Phong).

Thông tin về dự án nói trên, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định tại khoản 4, điều 14, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP (Nghị định 29), Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày. Nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy trình đấu thầu thông thường sẽ mất thời gian khoảng từ 9 đến 12 tháng mới lựa chọn được tư vấn thẩm tra, dẫn tới không có đủ thời gian thẩm định để kịp trình Quốc hội theo quy định. Đây là yếu tố đặc thù của các dự án quan trọng quốc gia. 

Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 2, điều 10, Nghị định 29, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra (liên danh tư vấn trong nước và nước ngoài) trong trường hợp đặc biệt theo quy trình, thủ tục quy định tại khoản 1, điều 11, Nghị định 29. 

Theo Bộ KH&ĐT, Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có tổng mức đầu tư lớn; có yêu cầu cao về thiết kế, công nghệ. Từ kinh nghiệm cũng như thực trạng đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM trong thời gian vừa qua cho thấy, một số vấn đề cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, như hướng tuyến, phương án thiết kế sơ bộ, tổng mức đầu tư, công nghệ sử dụng, khả năng bảo đảm an toàn khai thác, vận hành...

Trong khi đó, thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, nên không có đủ thời gian, cũng như kinh nghiệm trong việc thẩm định các nội dung yêu cầu chuyên môn sâu về kỹ thuật, công nghệ của dự án. 

Bộ KH&ĐT cho biết cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án.

Tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài hơn 38 km, với tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga, áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP.

Cụ thể, tuyến đường được thiết kế có 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, một ga trên cao. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha.

TP Hà Nội dự kiến toàn tuyến sẽ khai thác khoảng 25-40 đoàn tàu gồm 4-6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

(Theo Dân Trí)

Tình hình đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tiến độ 7 dự án vốn vay ODA

Tình hình đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tiến độ 7 dự án vốn vay ODA

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện đầu tư 8 dự án giao thông vốn ODA, trong 4 dự án đang thi công có đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).