Năm 2024, theo kết quả rà soát mới nhất, huyện Cần Đước giảm thêm 59 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn huyện về còn 170 hộ (tỷ lệ 0,35%); hộ cận nghèo chỉ còn 505 hộ (tỷ lệ 1,04%), giảm 122 hộ so với đầu năm nay.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, hiện nay, nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được các địa phương trong tỉnh thực hiện như nuôi bò sinh sản, nuôi tôm nước lợ, nuôi gà nòi thịt theo hướng an toàn sinh học,...
Tại huyện Cần Đước, trên cơ sở nguồn vốn được giao, UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện làm chủ đầu tư, phối hợp UBND các xã, thị trấn nắm các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để tập hợp thành tổ, nhóm tham gia các mô hình, dự án.
Mới đây, xã Long Định (huyện Cần Đước) bàn giao gà giống và thức ăn cho 12 hộ dân trong mô hình thuộc dự án Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững). Trong 12 hộ dân này có 3 hộ tham gia dự án thoát nghèo và 9 hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định. Mỗi hộ nhận 200 con gà giống và 140 kg thức ăn cho gà từ 1 đến 3 tuần tuổi.
Theo kế hoạch, mỗi hộ sẽ tiếp tục nhận hỗ trợ thêm thức ăn cho gà từ 4 tuần tuổi trở lên trong thời gian tới. Lãnh đạo UBND xã Long Định cho biết, dự án nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người khuyết tật không có sinh kế ổn định, dự kiến 12 hộ sau khi thực hiện dự án sẽ có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Nguyễn Minh Vương, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Đước, cho biết đầu năm 2023, toàn huyện có 314 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,65%), nhưng đến cuối năm đã giảm 85 hộ (đạt hơn 180% chỉ tiêu năm). Hộ cận nghèo của huyện chỉ còn 627 hộ, tỷ lệ 1,3%. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có xã Long Hòa hiện đã hết hộ nghèo.
Năm 2024, theo kết quả rà soát mới nhất, huyện Cần Đước giảm thêm 59 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn huyện về còn 170 hộ (tỷ lệ 0,35%); hộ cận nghèo chỉ còn 505 hộ (tỷ lệ 1,04%), giảm 122 hộ so với đầu năm nay.
Để hỗ trợ người dân thoát nghèo, cận nghèo, Cần Đước tập trung các dự án đa dạng hoá sinh kế. Năm 2023, huyện xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã: Long Định, Tân Chánh, Long Hựu Tây và Long Hựu Đông với 60 hộ tham gia. Trong số này có 9 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo, 3 hộ thoát nghèo và 21 hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định.
Huyện lựa chọn các dự án, mô hình như nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học; nuôi vỗ béo trâu thịt; nuôi cá lóc đầu nhím trong vèo lưới và nuôi gà nòi thịt theo hướng an toàn sinh học.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hai (70 tuổi, ở ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông) là một trong những hộ được nhận hỗ trợ gà nòi thịt từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo, vợ ông bệnh hơn 20 năm nay, tài sản trong gia đình lần lượt "ra đi" để có tiền chạy chữa bệnh.
Được hỗ trợ 250 con gà nòi thịt để nuôi, ông Hai phấn khởi, coi đây là sự động viên quý giá, là động lực để ông vươn lên. Ngoài được nhận con giống, ông còn được tập huấn, đi học tập kinh nghiệm ở tỉnh Bến Tre để có thêm kiến thức nuôi gà nòi, bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao. Khi nhận gà về nuôi, xã Long Hựu Đông còn theo sát, hỗ trợ gia đình chăn nuôi rất nhiệt tình.
Cuối quý I/2024, sau khoảng 3 tháng chăn nuôi gà nòi, ông bán được lứa gà đầu tiên, lợi nhuận khoảng 23 triệu đồng. Rất phấn khởi, ông tiếp tục đầu tư nuôi gà để có thêm thu nhập. Để tiết kiệm chi phí, ông còn sáng chế ra máy ấp trứng từ những vật liệu đơn giản, tiết kiệm gần 4 lần so với mua máy mới và năng suất cũng cao hơn gấp 2 lần.
Cùng với ông Hai, trên địa bàn xã Long Hựu Đông có thêm 14 hộ nghèo, cận nghèo được xã hỗ trợ giống gà nòi nuôi thịt theo hướng an toàn sinh học. Mỗi hộ nhận 250 con gà. Trong năm, có 5 hộ thoát nghèo.
Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Long An được nguồn ngân sách Trung ương phân bổ 24 tỷ đồng. Đối tượng tham gia là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Dự án 2 được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích. Tham gia dự án này, người dân được hỗ trợ con giống, vật nuôi, mỗi dự án được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng, thời gian hoàn trả vốn tối đa 36 tháng. Người dân thuộc các đối tượng của dự án 2 có thể đến UBND cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn tham gia.