- Muốn chặn cửa 'chạy' công chức, phải bỏ hệ thống nhân sự chức nghiệp với nếp “khôn người ta ghét, dại người ta khinh, thông minh người ta không dùng”.
>> Thanh tra nhiều địa phương chuyện 'chạy' công chức
>> Hà Nội hứa tìm sự thật ‘chạy' công chức 100 triệu
>> Thanh tra ngay chuyện 'chạy' công chức 100 triệu
>> Hà Nội hứa tìm sự thật ‘chạy' công chức 100 triệu
>> Thanh tra ngay chuyện 'chạy' công chức 100 triệu
Phát biểu của Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy Hà Nội trước HĐND TP ngày 7/12 về chuyện “chạy” công chức "không dưới 100 triệu đồng” nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người ủng hộ, nhưng một số cho rằng ông Chủ nhiệm nói bâng quơ. Những người này, hoặc là người “nhà giời”, ở trên mây trên gió chả biết gì về chuyện “hạ giới” người ta sống chết thế nào, hoặc là người sống cách biệt đã lâu nhưng vẫn tưởng là mình biết hết, nên cũng không có thông tin gì về cuộc sống hàng ngày của dân chúng, và cũng có thể là người chưa được thật thà lắm, “nghĩ một đằng nói một nẻo”.
Đối với đại đa số dân chúng, thông tin dạng này có lâu rồi, nó bình thường như người ta đi chợ mua mớ rau, con cá. Người ta phải chạy nhiều thứ lắm, nào chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy vào đại học… thế thì chạy vào công chức không có gì lạ cả.
Cần chuyển sang hệ thống nhân sự theo vị trí việc làm với yêu cầu rõ về
năng lực, cạnh tranh, khuyến khích người giỏi. Ảnh minh họa: Minh Thăng |
Chúng ta cám ơn ông Chủ nhiệm UB Kiểm tra đã có tuyên bố chính thức về việc chạy công chức và chất lượng công chức. Tuyên bố này có nội dung không mới, vì người ta nói nhiều rồi, không có bằng cứ, nhưng có tác dụng lớn. Nó là tiếng kêu, tiếng đánh động, cảnh báo và cũng là lời kêu gọi mọi người hãy làm gì đó đi trước khi quá muộn.
Thường thường bậc trung
Thật ra, không phải ai cũng phải chạy vào làm công chức. Những người giỏi, học tập xuất sắc thì hoặc được ưu tiên, hoặc thi thì đạt điểm cao. Người ta khó loại được những người này. Phần nhiều thi công chức là những người kết quả học hành tầm tầm, có mong muốn vào làm công chức, mong muốn hợp lý hóa gia đình, họ cố gắng tạo dựng các mối quan hệ để tiếp cận những người có thẩm quyền để lo lót được đỗ công chức. Thế là quà cáp, tiền nong thành công cụ giao tiếp hiệu quả.
Có thể nói ngay rằng, số người thường thường bậc trung cố gắng thu xếp để chạy vào công chức thường không phải những người có khả năng để phát triển thành công chức giỏi, mong được đóng góp công sức cho tổ chức cho đất nước. Nhiều người nói rằng, nhóm người này hoặc là quá cẩn thận trong công việc, quá thận trọng trong giao tiếp nên công việc thực hiện chậm chạp, không linh hoạt, không hiệu quả, hoặc thuộc diện “năng lực có hạn, thủ đoạn vô cùng”, cố gắng kiếm chác nhiều hơn là cống hiến để hoàn vốn và đầu tư chạy tiếp.
Vì vậy, ông Chủ nhiệm UB Kiểm tra TP Hà Nội mới than phiền rằng, ngay ở cơ quan mình, “khoảng 30% cán bộ làm việc tốt, 35% khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm”. Tuy nhiên, cũng phải nói một cách công bằng rằng, cán bộ lãnh đạo cũng có nhiều vấn đề phải bàn về năng lực công tác cũng như đạo đức, cấp xã thì ăn chặn cả tiền cứu trợ, đánh bạc, đánh nhau, cấp huyện thì có vụ Đồ Sơn, Tiên Lãng, cấp tỉnh có vụ Văn Giang, cấp trung ương thì có PMU 18, Cục Hàng Hải, làm kinh tế thì có ngành than, Vinashin, Vinalines.
Rõ ràng, năng lực cán bộ, công chức nói chung là có vấn đề và chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới phát triển đất nước. Thế mà mới tuyển vào công chức và đề bạt cán bộ đã có rất nhiều chuyện phải giải trình.
Sao phải chạy?
Vì sao phải chạy vào công chức? Làm sao lại chạy được? Trả lời được những câu này thì ta có được các giải pháp khắc phục. Vào công chức để được ổn định trong cơ quan nhà nước, an thân khó mà đuổi ra khỏi biên chế được? Để có cơ hội đào tạo và phát triển cá nhân? Để có điều kiện thực hiện được sự “giúp đỡ” người khác như người ta đã “giúp mình” mà mình phải trả bằng tiền?
Với những lý do như vậy, trước hết cần phải tổ chức lại nền công vụ, phải từng bước chuyển từ hệ thống nhân sự chức nghiệp với nề nếp “sống lâu lên lão làng”, “khôn người ta ghét, dại người ta khinh, thông minh người ta không dùng” sang hệ thống nhân sự theo vị trí việc làm với yêu cầu rõ về năng lực, cạnh tranh, khuyến khích người giỏi, nhận người giỏi, đề bạt người giỏi. Giảm biên chế, có chính sách chế độ đãi ngộ để công chức có thu nhập trung bình khá trong xã hội.
Thứ hai, tăng cường kỷ luật xử lý ngay đối với những người mắc lỗi, chạy chức chạy quyền, chạy công chức, và khen thưởng cho những người thực hiện tốt công việc của mình mà không phải đăng ký thi đua.
Thứ ba, làm chặt chẽ quy trình công việc trong công vụ, như quy trình đề bạt, thi tuyển, thanh kiểm tra. Để người ta khó có thể lợi dụng, tranh thủ làm lợi cho cá nhân và nhóm. Việc thi trên máy cũng chỉ là một thứ để đổi mới quy trình, hạn chế gian lận. Thực hiện tuyển dụng tập trung do một cơ quan tuyển dụng Trung ương thực hiện phối hợp với cấp tỉnh tiến hành.
Thứ tư, thực hiện làm gương trong công vụ, thông báo kỷ luật trong toàn ngành, thông báo khen thưởng trong toàn ngành để mọi người cùng biết, để tránh và để noi gương. Hãy quan tâm đến con người, tuyển người năng lực tốt hơn là bè phái.
Giải pháp cần thiết thực để những người có thẩm quyền, những người tham gia tuyển dụng, đề bạt: Không thể gian dối vì quy trình chặt chẽ; Không dám gian dối vì sẽ bị kỷ luật vì bị thông báo rộng rãi; Không muốn gian dối vì sẽ mất hết, lương bổng và vị trí và phấn đấu làm sao cho các chính sách chế độ tốt đến mức để họ không thèm gian dối.
TS Ngô Thành Can(Học viện Hành chính)