Các bậc phụ huynh chưa hết bàng hoàng vì thông tin sữa, đồ chơi nhiễm độc thì nay lại thêm hoảng khi biết quần áo trẻ em, khăn ướt chứa nhiều chất độc nguy hiểm.

Quần áo trẻ em Trung Quốc đắt tiền cũng có độc

Tổ chức Hòa Bình Xanh vừa công bố nhiều hóa chất nguy hiểm trong quần áo trẻ em mà các công ty Trung Quốc gia công cho các nhãn hiệu lớn như Disney, Burberry hoặc Adidas.

Trong một thông cáo ra ngày 14/1, tổ chức bảo vệ môi trường này cho biết đã cho phân tích 82 mẫu của 12 nhãn hiệu và kết quả là đều tìm thấy trên các sản phẩm này nhiều chất độc hại cho sức khỏe con người.

50 sản phẩm (60% tổng sản phẩm được kiểm tra) được tìm thấy có chứa nonylphenol ethoxylates, hay NPEs, mà Greenpeace cho rằng có thể làm hỏng và “phá vỡ hormone”. Lượng PFOA cao, hóa chất ionic perfluorinated có thể gây hại cho cơ quan sinh sản cũng được tìm thấy trong một số sản phẩm.

 

{keywords}

Quần áo trẻ em xuất xứ Trung Quốc bị phát hiện chứa hóa chất độc hại.

Trong số các nhãn hiệu rơi vào tầm ngắm của tổ chức phi chính phủ trên có Nike, American Apperel, C&A và Gap. Các sản phẩm được xét nghiệm nêu trên được gia công ở 12 khu vực khác nhau trong đó có 1/3 là tại Trung Quốc. Chih An Lee, một người có trách nhiệm của Greenpeace bình luận giờ đây “mua quần áo cho con cái sao cho không có chất độc hại quả thực là một cơn ác mộng đối với các ông bố bà mẹ”.

Tổ chức này kêu gọi Trung Quốc, nhà gia công đồ dệt may hàng đầu và cũng là nhà tiêu thụ hóa chất lớn nhất thế giới, hãy chấm dứt sử dụng các loại chất độc hại cho sức khỏe con người trong công nghiệp dệt may.

Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Hòa Bình Xanh đưa ra lời cảnh báo đối với các nhà sản xuẩt quần áo lớn trên thế giới. Trong hai năm qua, tổ chức này đã công bố nhiều nghiên cứu khoa học chỉ cho thấy trên quần áo của nhiều hiệu thời trang như Zara, Calvin Klein, Levi’s và Li Ning có nhiều hóa chất có khả năng gây ung thư hoặc rối loạn hoóc môn.

Vào năm 2012, Hòa Bình Xanh đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang “độc hại” tại Bắc Kinh để thu hút sự chú ý của dư luận đối với báo cáo của tổ chức này, cáo buộc rằng 2/3 quần áo cao cấp mà Hòa Bình Xanh xét nghiệm có chứa hóa chất độc hại.

Cuộc điều tra của Hòa Bình Xanh được thực hiện theo sau hàng loạt nỗ lực của tổ chức này để đốc thúc các tập đoàn may mặc từ bỏ toàn bộ các thành phần độc hại trước năm 2020 .

Khăn ướt nhiễm độc

Mới đây các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy hoạt chất methylisothiazolinone (MI - một hóa chất ăn mòn cao, có khả năng diệt khuẩn mạnh mẽ) trong các sản phẩm khăn ướt gây hại tới làn da của trẻ như làm đau, gây dị ứng, phát ban đỏ… Tuy nhiên, dù chưa có bất cứ trường hợp dị ứng khăn ướt được báo cáo tại Mỹ nhưng các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, những phản ứng đó có thể bị chẩn đoán nhầm, giống như bệnh chàm của trẻ nhỏ.

Trong khi đang điều trị cho 6 em bé bị phát ban đỏ, các nhà khoa học tại trường dược để ý thấy: sau khi được điều trị thành công với kháng sinh, một bé gái 8 tuổi đã có dấu hiệu phát ban trở lại ở mặt và mông. Lo ngại bé bị dị ứng, các nhà khoa học đã hỏi dò và biết được mẹ bé thường dùng khăn ướt để lau miệng và mông cho con gái. May mắn là sau khi được khuyến cáo, bé đã dứt hẳn bệnh ngay khi mẹ ngưng sử dụng sản phẩm này.

Trước đó, Hiệp hội Người tiêu dùng Pháp cũng đưa ra cảnh báo, nhiều loại khăn giấy ướt của các thương hiệu nổi tiếng: Pampers, Nivea, Mixa, Carrefour... chứa những chất phénoxyéthanol, parabène có khả năng gây độc cho gan, ảnh hưởng hệ sinh dục, gây rối loạn nội tiết... của trẻ em.

{keywords}
Khăn ướt cũng nhiễm độc

Tại Việt Nam, khăn giấy ướt rất phổ biến và được nhiều bà mẹ trẻ ưa chuộng. Khăn giấy ướt trở thành vật dụng không thể thiếu khi chăm sóc trẻ của các bà mẹ.

Đáp ứng nhu cầu, thị trường khăn giấy ướt ở các đô thị lớn hiện vô cùng phong phú, từ loại có nguồn gốc xuất xứ đến không nhãn mác, hàng nhập khẩu đến hàng trong nước, hàng bán từ vỉa hè cho đến tiệm tạp hóa, trên mạng hay tại siêu thị... Các thương hiệu phổ biến như: Bobby Care, Nuna, Baby Mamy, Baby Care, Baby Vina, Daily Care Baby... được đóng gói nhiều kích cỡ, từ 10, 30, 80 đến 100 tờ/gói...

Là sản phẩm chăm sóc bé nhưng trên bao bì các loại khăn ướt lại chỉ ghi rất chung chung, như: vải không dệt, nước tinh khiết, dung dịch lô hội, hương thơm. Có chăng, các sản phẩm này chỉ cảnh báo không được bỏ vào bồn cầu do không tan trong nước, không hề hướng dẫn phụ huynh phải lau lại cho bé sau khi dùng.

TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Hóa Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết trên báo NLĐ, hiện Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm này, chủ yếu chấp nhận công bố về chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất khăn giấy ướt. Trong đó, có những tập đoàn đa quốc gia đã đăng ký và được cấp chứng nhận theo hệ thống tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới, Việt Nam chỉ chấp nhận công bố đó và cho phép đưa sản phẩm vào sử dụng.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất tại Việt Nam có bảo đảm đúng như công bố, có được giám sát kỹ về điều kiện vệ sinh hay nhà sản xuất có điều chỉnh gì về thành phần, công thức... hay không thì không kiểm soát được.

Các chuyên gia về da liễu cảnh báo, người tiêu dùng không nên sử dụng khăn ướt không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tốt nhất là nên chọn mua khăn ướt không mùi hương, không cồn, có công thức rõ ràng.

Trên thế giới, đã có trường hợp một người phụ nữ được chẩn đoán khó khăn khi thở do bị sưng phồng cả đầu và mặt. Trường hợp khác, một du khách Anh đã phải nhập viện 2 ngày ở Tây Ban Nha để điều trị dị ứng khi dùng khăn ướt.

Thu Hòa (Tổng hợp)