Xưa nay, nhắc đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, người ta thường chỉ nghĩ đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hay một ông lớn khác xếp sau đó là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Doanh thu của hai tên tuổi hàng đầu thị trường này trong năm 2019 lần lượt là 180.000 tỷ đồng và 80.000 tỷ đồng.
Bất chấp cuộc chơi chủ yếu nằm trong tay 2 ông lớn kể trên, lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vẫn rất hấp dẫn. Thực tế cho thấy, danh sách doanh nghiệp tham gia mảng này (công bố bởi Bộ Công thương) đã có sự tăng trưởng trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, nếu năm 2015 chỉ có 19 đầu mối, thì đến tính đến ngày 13/10/2020 đã tăng gấp đôi lên 38 đầu mối.
Khảo sát cho thấy, 23/38 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có doanh thu năm 2019 trên 1.000 tỷ, trong đó 8 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 10.000 tỷ.
Đầu bảng là Công ty TNHH Hải Linh với doanh thu thuần đạt 18.880 tỷ đồng. Hải Linh không phải cái tên quá xa lạ. Doanh nghiệp này ra đời vào ngày 18/7/2002, đóng trụ sở tại Khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Sau 18 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ Hải Linh (tính đến tháng 6/2020) đạt 1.550 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Lê Văn Tám (68,67%) và Nguyễn Thị Hải (31,330%). Cổ đông lớn nhất Lê Văn Tám hiện (SN 1966) cũng là Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc.
Không chỉ dẫn đầu về mặt doanh thu, Hải Linh cũng đứng đầu về tổng giá trị tài sản, đạt 12.258 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2019. Theo tìm hiểu, Hải Linh hiện đang sở hữu một số dự án đáng chú ý như: Kho xăng dầu ngoại quan ở Cái Mép - Vũng Tàu có sức chứa 120.000m3 và đang được nâng công suất lên 320.000m3; Dự án xây dựng bể chứa khí hóa lỏng thiên nhiên sức chứa 220.000m3 tại Cái Mép Vũng Tàu, Nhà máy điện khí Hiệp Phước 1 (công suất 1.000MKW), nhà máy điện khí Hiệp Phước 2 (công suất 1.500MKW).
Khá thú vị, khi top 5 danh sách có sự xuất hiện của 2 doanh nghiệp nhà nước. Đó là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) và CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex - UpCom: PDT) với doanh thu lần lượt đạt 12.788 tỷ và 16.036 doanh thu thuần.
Nói thêm về một đại diện có vốn nhà nước khác là CTCP Dầu hóa Quân đội (Mipec). Trong năm 2019, Mipec vẫn gây ấn tượng với doanh thu thuần đạt 7.066 tỷ đồng, dù có phần khiêm tốn so với Saigon Petro và Petimex, nhưng lợi nhuận của Mipec là 162 tỷ đồng, mức cao nhất trong 23 doanh nghiệp Nhadautu.vn khảo sát.
Đứng top 3 là Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (trụ sở tại Thái Bình), với doanh thu thuần 15.807 tỷ đồng. Cập nhật đến tháng 6/2020, Hải Hà có vốn điều lệ 356 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông góp vốn là ông Tô Văn Thọ (24,62%), ông Lê Phi Quang (8,64%), bà Trần Tuyết Mai (36,895%), bà Trần Thị Thu Hằng (17,463%) và ông Trần Văn Chính (12,382%).
Chủ tịch HĐTV là ông Tô Văn Thọ (SN 1959), Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do bà Trần Tuyết Mai (SN 1961) - vợ ông Thọ, đảm nhiệm.
Nhắc đến Hải Hà là phải đề cập đến mạng lưới kinh doanh xăng dầu đáng nể trên khắp cả nước. Không những thế, Hải Hà cũng lấn sân sang mảng bất động sản với việc đầu tư nghiên cứu quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí, khu cảng dịch vụ cảng, khu công nghiệp xã Thái Thượng có quy mô diện tích 993ha (tháng 3/2020). Bên cạnh đó, Hải Hà cũng chính thức bước chân vào lĩnh vực dược phẩm khi mua thành công mua 9,9 triệu cổ phiếu PBC của CTCP Dược phẩm trung ương I (Pharbaco) vào tháng 5/2020, tương đương sở hữu 24,75% vốn.
Cái tên tiếp theo là Công Ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, với doanh thu thuần năm 2019 đạt gần 10.383 tỷ đồng. Long Hưng thành lập vào ngày 28/5/2005, ngành nghề chính là kinh doanh và vận tải xăng dầu, trụ sở chính tại 12A Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam.
Sau 10 năm hoạt động và phát triển, Long Hưng từ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh nội địa trở thành một doanh nghiệp lớn kinh doanh nội địa và quốc tế trong lĩnh vực xăng dầu, với vốn điều lệ đạt 500 tỷ đồng (tính đến tháng 3/2020). Được biết, cơ cấu cổ đông Long Hưng gồm: Bà Nguyễn Thị Hiền (70%), Nguyễn Tuấn Quỳnh (20%), Nguyễn Hoàng Bảo Long (5%) và Nguyễn Hoàng My (5%). Đây đều là các cổ đông có cùng hộ khẩu thường trú với bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1972).
Long Hưng có hợp tác với nhiều đối tác lớn, như: Hợp đồng số 02/HĐ-EVNGENCO1 ngày 24/10/2018 với Tập đoàn Sumitomo – Nhà thầu EPC dự án NMNĐ Duyên Hải 3 Mở Rộng; Hợp đồng số: 37/HĐ/PVP.PVPE-LH/2019/HH ngày 14/08/2019 với Tổng công ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam – CTCP;…
Ngoài ra, còn phải kể đến Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch xuyên Việt Oil, với doanh thu thuần 11.177 tỷ đồng. Được biết, công ty thành lập vào ngày 31/5/2005, đóng trụ sở tại số 465-467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP.HCM. Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật là bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979), cũng là cổ đông lớn nhất nắm 80% vốn doanh nghiệp (tính đến tháng 10/2019), 20% còn lại sở hữu cũng bởi một cá nhân họ Mai là bà Mai Thị Ngọc Trinh.
Xuyên Việt Oil là á quân nếu xét về khối lượng tài sản nắm giữ. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản công ty là 10.047 tỷ đồng, chỉ đứng sau Công ty TNHH Hải Linh. Dù vậy, vốn chủ sở hữu Xuyên Việt Oil chỉ vỏn vẹn hơn 44,3 tỷ đồng.
2 doanh nghiệp còn lại nằm trong nhóm doanh thu trên 10.000 tỷ là CTCP Dương Đông Sài Gòn (12.304 tỷ đồng) và Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (12.178 tỷ đồng).
Có thể dễ dàng nhận thấy, số lượng doanh nghiệp từ TP.HCM chiếm ưu thế nhất định. Cụ thể, nhóm này chiếm 50% top 8 doanh nghiệp doanh thu trên 10.000 tỷ (4/8 doanh nghiệp, là Saigon Petro, Dương Đông Sài Gòn, Xuyên Việt Oil, Long Hưng). Ở nhóm còn lại (doanh thu lớn hơn 1.000 tỷ, dưới 10.000 tỷ), các doanh nghiệp từ TP.HCM tiếp tục chiếm ưu thế với 5/14 công ty, đó là CTCP Thương mại – Tư vấn – Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt (doanh thu thuần 5.948 tỷ), CTCP Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô (doanh thu thuần 5.406 tỷ), CTCP Đầu tư Nam Phúc (doanh thu thuần 4.364 tỷ), CTCP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S (doanh thu 2.899 tỷ) và CTCP Nhiên liệu Phúc Lâm (doanh thu thuần 2.260 tỷ).
Nổi danh hơn cả trong nhóm này là Bách Khoa Việt - doanh nghiệp được thành lập ngày 20/10/2007, đóng trụ sở tại số 346 Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM. Hiện tại, vốn góp chủ sở hữu đạt 468 tỷ đồng. Tổng giám đốc/Người đại diện theo pháp luật công ty là Trần Trác Việt Đức (SN 1990).
Bách Khoa Việt đã hợp tác với nhiều đơn vị để thiết lập hệ thống kho chứa xăng dầu như: Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của công ty Xăng dầu Khu vực II TNHH MTV (Petrolimex Saigon); Kho xăng dầu ngoại quan Hiệp Phước (huyện Gò Công Đông, Tỉnh Tiền Giang); Kho xăng dầu Phúc Thành (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ); Kho xăng dầu Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre); Kho xăng dầu BKV PETRO Tây Ninh (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh)…. Đây đều là những kho xăng dầu đầu mối tại miền Đông và Tây Nam Bộ.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vào tháng 5/2020 đã thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Bách Khoa Việt để xử lý thu hồi nợ vay. Cụ thể, tổng dư nợ của công ty Bách Khoa Việt tại VietinBank Ngô Quyền đến ngày 13/5 là 541 tỷ đồng. Ngoài ra, số lãi cộng là hơn 49 tỷ đồng, kèm khoản lãi phạt chậm trả 23,6 tỷ đồng.
Theo phía VietinBank, tổng khoản nợ liên quan khách hàng nói trên đang là 541 tỷ đồng, đi kèm hàng loạt tài sản bảo đảm giá trị như bất động sản, ô tô sang, cửa hàng xăng dầu…
Ngoài ra, còn phải kể đển CTCP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S, cựu cổ đông lớn tại Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (UpCom: TLP).
Cụ thể, S.T.S thành lập ngày 1/4/2004, trụ sở chính tại số 6 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, Việt Nam. Ông Lê Trọng Hiếu (SN 1968) là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc.
S.T.S từng gây xôn xao giới đầu tư khi cùng Hải Linh và công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết bị Hướng Dương mua 45,55% vốn Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (UpCom: TLP). Dù vậy, từ ngày 15/9/2020 – 25/9/2020, S.T.S đã thoái thành công hơn 34,42 triệu cổ phiếu TLP. Giao dịch này nhiều khả năng mang tính chất “trao tay” giữa các cổ đông liên quan đến S.T.S. Bởi lẽ, ông Lê Trọng Hiếu - Ủy viên HĐQT công ty, đã đăng ký mua 36 triệu cổ phiếu TLP từ ngày 16/9/2020 – 14/10/2020.
Ngoài ra, S.T.S đang là cổ đông góp 51% tại CTCP Nhiên liệu Sài Gòn - SFC (cổ đông lớn còn lại là công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (20,01%) và các cổ đông khác (28,99%)).
Phần còn lại của nhóm này (9/14 doanh nghiệp), ngoài Mipec đã đề cập, nằm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Một cái tên đáng chú ý là CTCP Thiên Minh Đức (Nghệ An). Năm tài chính 2019, doanh thu thuần công ty đạt 9.837 tỷ. Đây cũng là con số cao nhất trong nhóm doanh thu dưới 10.000 tỷ.
Xếp ngay sau Thiên Minh Đức là CTCP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH). Trong năm 2019, doanh thu PSH đạt 9.151 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 149,5 tỷ.
Một cái tên đáng chú ý khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An (Nam Định). Năm 2019, Trường An đạt gần 1.489 tỷ đồng doanh thu thuần. Như Nhadautu.vn từng đề cập, Trường An chính thức hoạt động vào ngày 25/10/2004, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, cho thuê máy móc, kinh doanh bất động sản, đóng tàu biển…
Được biết, ông Trần Văn Dĩnh đang là Tổng giám đốc/Người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Đáng chú ý, ông Dĩnh cũng đang nắm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP golf Trường An (Hà Nam), chủ đầu tư dự án sân golf Kim Bảng tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Sân golf này có diện tích hơn 198 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 2/2020, CTCP golf Trường An đã có hồ sơ đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện dự án sân golf Hồ Núi Cốc tại xã Phúc Xuân và xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 956 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư 191 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 756 tỷ đồng.
Đặc biệt, golf Trường An là chủ đầu tư dự án sân golf Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Diện tích khu đất là 140 ha. Vốn đầu tư của Dự án là 1.214 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Được biết, vào tháng 6/2020, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kí các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Sân golf Việt Yên.
Ngoài ra, có thể kể đến một số đại gia “tỉnh lẻ” khác, như: CTCP Văng tư – xăng dầu Hải Dương (Hải Dương), doanh thu thuần 4.320 tỷ; Công ty TNHH Petro Bình Minh (Quảng Ninh), doanh thu thuần 3.408 tỷ; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (Đà Nẵng), doanh thu gần 3.106 tỷ;…
Về mặt lợi nhuận, khảo sát cho thấy chỉ có 3 doanh nghiệp xăng dầu có lãi thuần trên trăm tỷ, đó là Mipec (162 tỷ đồng), Nam Sông Hậu (149,5 tỷ) và Saigon Petro (143 tỷ).
Ở chiều ngược lại, có 7 công ty lỗ thuần năm 2019, thậm chí một số trong số này còn lỗ ăn mòn vốn chủ sở hữu. Một số cái tên báo lỗ lớn năm 2019 như Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (lỗ thuần gần 224 tỷ), Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch xuyên Việt Oil (-424 tỷ), CTCP Thương mại – Tư vấn – Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt (-196 tỷ), CTCP Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô (-115,9 tỷ), CTCP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An (-14 tỷ), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu xăng dầu Hà Anh (-17 tỷ).
(Theo Nhà Đầu Tư)