Mới đây, Anna McKee - nữ sinh viên 22 tuổi tại Đại học North Texas đã trở thành quán quân của cuộc thi lập trình IBM Master of the Mainframe, qua đó trở thành người phụ nữ đầu tiên của nước Mỹ chiến thắng danh hiệu trong cuộc thi thường niên quy mô lớn do IBM tổ chức.
Tại giây phút tên mình được xướng lên trên bục nhận giải, McKee vẫn đang mải nói chuyện điện thoại với bố mẹ. Cô chia sẻ: “Tôi đã không ngừng thốt lên “ôi trời ơi” đến mức bố mẹ tôi còn tưởng tôi gặp tai nạn hay vướng vào một rắc rối nào đó. Thế rồi họ cũng bắt đầu hò reo cùng tôi. Họ cực kỳ phấn khích, và điều đó thật tuyệt vời”.
McKee đã cực kỳ bất ngờ khi giành chiến thắng bởi cô mới chỉ bắt đầu học lập trình từ 3 năm trước. Thậm chí cô từng nghĩ sẽ không thể hoàn thành sản phẩm của mình khi đăng ký tham gia cuộc thi lần này. Cô cho biết cả bố và mẹ mình đều thường xuyên sử dụng các cỗ máy tính mainframe, và đó là lý do duy nhất để cô tham gia cuộc thi của IBM.
Chiến thắng bất ngờ đó đã mang về cho McKee rất nhiều giải thưởng giá trị, trong đó bao gồm: Một chuyến đi đến trụ sở IBM gần nhất để gặp gỡ ban giám đốc cũng như đội ngũ tuyển dụng với chi phí tài trợ lên đến 2.750 USD, một bộ kính thực tế ảo HTC Vive và một chiếc áo hoodie có chứng nhận Master of the Mainframe.
Hiện nay, máy tính mainframe đã có phần lạc hậu trước sự nổi lên của PC, smartphone và mới nhất là điện toán đám mây với nhiều tiện ích, cho phép người dùng tiếp cận công nghệ máy tính với những thiết bị nhỏ gọn hơn.
Bên cạnh đó, mặc dù máy tính mainframe vẫn đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới, nhưng các lập trình viên lại có xu hướng tìm đến những nền tảng mới hơn để sử dụng. Điều này đã dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như đội ngũ nhân công lành nghề trong lĩnh vực lập trình máy tính mainframe.
Đó là lý do vì sao IBM lại tổ chức cuộc thi Master of the Mainframe hàng năm kể từ năm 2005 đến nay. Đây được xem là chiến lược giúp khuyến khích các học sinh, sinh viên nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về máy tính mainframe.
Meredith Stowell, Giám đốc cộng đồng và kỹ năng đội ngũ Mainframe của IBM cho biết: “Chúng tôi mong muốn cung cấp cho các sinh viên cơ hội để học hỏi về một trong những nền tảng IT doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới”.
Với cuộc thi năm nay, IBM đã đón nhận số lượng người tham gia kỷ lục với 17.000 thì sinh, trong đó 23% là nữ giới. Thế nhưng McKee là nữ sinh duy nhất lọt vào top 15 nhà vô địch khu vực và "ẵm" luôn cả giải thưởng toàn cầu. Cô cho biết: “Tôi không hề biết mình là người phụ nữ đầu tiên chiến thắng cuộc thi này tại Mỹ. Tôi chỉ cố gắng hết sức mình mà thôi”.
Cuộc thi Master of Mainframe bao gồm ba vòng đấu, trong đó thử thách cuối cùng đòi hỏi các thí sinh tự thiết kế ứng dụng của riêng mình bằng cách phân loại và theo dõi dữ liệu từ hơn 600 công ty khác nhau. Thí sinh sẽ được kết nối với một cỗ máy tính mainframe IBM ảo thông qua thiết bị PC hoặc laptop của mình.
Thời hạn dành cho cuộc thi này là 3 tháng, thế nhưng McKee đã hoàn thành sản phẩm của mình chỉ trong vòng 2 tuần. Cô chia sẻ: “Tôi đã giành tất cả thời gian cho cuộc thi và gác lại toàn bộ những việc khác, trong đó bao gồm cả bài tập về nhà của tôi”.
Khi còn là học sinh trung học, McKee đặc biệt giỏi toán và có năng khiếu về âm nhạc. Nhưng cô cũng không hề nghĩ đến việc sẽ theo đuổi công việc liên quan đến hai lĩnh vực này. Sau khi kết thúc năm nhất đại học, McKee đã đăng ký một khóa lập trình C++ cơ bản tại một trường cao đẳng gần nhà. Tuy nhiên sau đó, cô đã chuyển sang tìm hiểu ngôn ngữ lập trình Java.
Và đó chính là bước ngoặt dẫn đến thành công ngày hôm nay của McKee. Khác với C++, cô nàng 22 tuổi này tỏ ra đặc biệt thích thú với Java đến mức quyết định đổi sang ngành học Hệ thống thông tin máy tính doanh nghiệp. McKee cũng tham gia Hiệp hội Hệ thống thông tin (AIS) - một tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực IT tại Mỹ.
Bên cạnh đó, cô cũng đã nhận ra xu hướng thay đổi hiện nay có thể mang lại cơ hội cho mình. Trong vòng 1 năm qua, các buổi meeting của AIS có sự tham gia của nhiều phụ nữ hơn, đỉnh điểm lên đến 50% số người tham dự. McKee nhận định: “Điều đó thực sự đã khiến tôi vô cùng bất ngờ. Và tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để ngày càng nhiều người phụ nữ có cơ hội tham gia và tìm hiểu lĩnh vực công nghệ hơn”.
Theo GenK