Trong cuộc tấn công Ba Lan của Đức quốc xã, với tư cách là Tham mưu trưởng Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Nam do Đại tướng Gerd von Rundstedt chỉ huy, chính Manstein là đồng tác giả của kế hoạch tác chiến cho chiến dịch mở màn Thế chiến thứ hai này.
Trong cuộc tấn công nước Pháp, ban đầu Đức định 'vỗ mặt' trên chính diện rộng từ Hà Lan đến Bỉ, nhắm vào mục tiêu hạn chế là chiếm lấy bờ biển Flanders. Là một trong những người phản đối phương án này, Manstein đề xuất mũi tấn công phía bắc là “mồi nhử” dụ chủ lực liên quân Anh-Pháp-Bỉ-Hà Lan nghênh chiến. Trong lúc đó, mũi chủ công sẽ được mở ở chính diện trung tâm, tạo bất ngờ chiến lược vì có 2 chướng ngại tự nhiên cản trở xe tăng là vùng núi Ardennes và sông Meuse.
Đề xuất của Manstein được Rundstedt rồi sau đó chính Hitler chấp thuận, được bổ sung, chỉnh sửa một số chi tiết để trở thành phương án tác chiến chính thức.
Trong chiến dịch này, nằm trong thành phần TĐQ 4 do Đại tướng Gunther von Kluge chỉ huy, quân đoàn của Manstein đã góp sức cho việc giành thắng lợi trong trận chọc thủng phòng tuyến đầu tiên của đối phương ở phía đông Amiens và là đơn vị đầu tiên vượt qua sông Seine. Ông ta được thăng hàm Thượng tướng và tặng huân chương Thập tự Hiệp sĩ.
Trong chiến tranh Xô-Đức, thành tích đáng kể nhất của Manstein là chỉ huy TĐQ 11 trong thành phần Cụm TĐQ Nam đánh chiếm bán đảo Crưm và thành phố cảng Sevastopol.
Với sự vượt trội về binh lực, cùng với những sai lầm và sự thiếu quyết đoán của một số tướng lĩnh Hồng quân, sau 250 ngày bao vây và công phá bằng các loại vũ khí hạng nặng và siêu nặng, ngày 9/7/1942, TĐQ 11 của Manstein và các đơn vị đồng minh Romania chiếm được Sevastopol. Ông ta được Hitler tặng danh hiệu "Người chinh phục Sevastopol" và phong hàm Thống chế.
Trong trận Stalingrad, tháng 12/1942, Manstein được giao làm tư lệnh Cụm TĐQ Sông Đông mới được vội vã thành lập thực hiện chiến dịch Mùa đông giải vây cho TĐQ 6 Đức (do Thống chế von Paulus chỉ huy) đang bị Hồng quân bao vây.
Manstein đề nghị Hitler cho TĐQ 6 mở một con đường máu từ trong đánh ra để phối hợp với quân giải cứu, nhưng Hitler từ chối và ra lệnh cho TĐQ 6 phải trụ lại. Nỗ lực giải cứu trở nên khó khăn khi Hồng quân tổ chức lại lực lượng và tấn công mạnh vào bên mạn sườn Cụm TĐQ Sông Đông, khiến Manstein buộc phải phòng thủ và không thể tiếp tục tiến đến Stalingrad được nữa.
Sau này, nhiều người cho rằng nếu TĐQ 6 của Paulus từ trong đánh ra như theo đề nghị của Manstein thì binh đoàn Đức này đã có thể được cứu thoát.
Đầu năm 1943, Hồng quân tiến hành chiến dịch Ngôi sao nhằm mục tiêu giải phóng các thành phố Belgord, Kharkiv và Kursk. Chiến dịch tấn công này là một thành công lớn của Hồng quân, nhưng khiến mặt trận bị kéo căng quá cỡ. Hồng quân bị hao tổn nặng nề, nhiều sư đoàn chỉ còn 1-2.000 binh sĩ.
Nhân cơ hội đó, ngày 19/2/1943, Cụm TĐQ Nam quân Đức vừa được bổ sung lực lượng do Manstein chỉ huy đã mở một đòn phản kích và tái chiếm Kharkiv vào ngày 15/3. Hai hôm sau, 17/3, quân Đức chiếm Belgorod, tạo nên một “chỗ lồi” ăn sâu vào phòng tuyến quân Đức tại gần Kursk, đây sẽ là nơi diễn ra Trận Vòng cung Kursk nổi tiếng vài tháng nữa.
Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 12/1943, Hồng quân Liên Xô tiến hành một chuỗi gồm 11 chiến dịch tấn công chiến lược (Trận sông Dnepr). Phòng ngự ở hướng này, Cụm TĐQ Nam do Manstein chỉ huy đã biến các thành phố, thị xã, thị trấn và làng mạc ở Đông Ukraine thành các cụm cứ điểm phòng ngự mạnh. Ngay cả khi rút những lực lượng cơ bản về phía sau, Manstein vẫn yêu cầu mỗi sư đoàn, quân đoàn đều phải để lại những đội quân cản hậu, phục kích để ngăn chặn đà tiến công của Hồng quân.
Tuy nhiên, trước sức mạnh tiến công liên tục gần 4 tháng của Hồng quân, tổng tổn thất về quân số của lục quân Đức là 749.458 người (chưa tính số thiệt hại của các đơn vị SS, không quân và các đơn vị Romania), chiếm 59,96% tổng quân số tham gia chiến dịch. Đức cũng để mất toàn bộ vùng Donbass, nơi cung cấp cho nước Đức nhiều nguyên liệu quan trọng và một khối lượng lớn lương thực. Hồng quân tiến về phía tây thêm từ 300 đến 500km, thu hồi một vùng đất đai rộng lớn gồm toàn bộ phần tả ngạn Ukraine và hai vùng quan trọng ở phía tây sông Dnepr, đẩy Đức vào thế phòng ngự bị động.
Do thất bại trong trận Dnepr, ngày 30/3/1944, Manstein bị cách chức. Sau chiến tranh, Manstein bị quân Anh bắt. Năm 1948, ông ta bị tuyên án 18 năm tù vì các tội ác chiến tranh, nhưng được thả tự do chỉ sau 4 năm thụ án. Giai đoạn sau đó, Manstein làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng CHLB Đức và có nhiều đóng góp cho việc xây dựng LLVT quốc gia này.
Nguyên Phong
>> Đọc thêm tin quân sự trên báo VietNamNet