Chán lạp xưởng ngoài bắc, chị em lùng mua lạp sườn ướp rượu áp xanh
Cùng một món ăn, nhưng mỗi vùng miền lại mang những phong vị riêng. Lạp xưởng ở miền Bắc sẽ có vị mặn, cay nồng của tiêu, béo ngậy khi được chiên lên.
Nhưng lạp xưởng ướp rượu áp xanh (đặc sản miền tây) lại hơi ngọt ngọt. Ai mới ăn sẽ cảm thấy không quen, nhưng càng ăn lại càng nghiện. Vì mùi thơm của lạp xưởng ngấm với nước dừa vô cùng kích thích vị giác.
Lạp xưởng uớp rượu áp xanh đang được nhiều chị em yêu thích |
Món ăn ngon nhất nếu được luộc qua với nước dừa rồi chiên không dầu trên chảo, khi đó mỡ trong lạp xưởng sẽ tiết ra để lạp xưởng cháy vàng |
Chị Hương Giang (Hoa Bằng, Hà Nội) quê gốc ở Hà Giang nên chẳng lạ gì món lạp xưởng quê nhà. Nhưng khi được một người bạn trong TP. Hồ Chí Minh mang lạp xưởng ướp rượu áp xanh ra làm quà, cả nhà chị Giang đã “nghiện” món ăn này.
Chia sẻ với PV, chị Giang cho biết: “Theo người bạn của tôi chuyên làm món lạp xưởng này thì nó có khá nhiều tên gọi. Mọi người thường gọi đơn giản là lạp xưởng, hoặc lạp xưởng miền Tây.”
“Còn tên gọi lạp xưởng ướp rượu áp xanh là bởi trong quá trình làm, các nguyên liệu như thịt xay, mỡ thăn, muối, tiêu, hành phi sẽ được ướp với loại rượu có tên là áp xanh. Loại rượu này thường chỉ bán ở phía Nam, ngoài Bắc gần như không có”, chị Giang cho biết thêm.
Nguyên liệu làm lạp sườn |
Sấy trong lò 8 -9 tiếng với nhiệt độ 50 - 60 độ C |
Trên thị trường hiện có khá nhiều loại hàng và mức giá khác nhau cho loại lạp xưởng này. Có nơi bán giá 270.000 đồng/kg, nhưng cũng có chỗ chỉ khoảng 140.000 đồng/kg.
Theo chị Bích Ngọc (Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) - một người chuyên làm và kinh doanh lạp xưởng miền Tây: “Để làm được lạp xưởng ngon thì phải mất rất nhiều công sức. Hằng ngày, tôi phải dậy từ 6h sáng để nhận thịt lợn mới mổ, rửa sạch rồi ngồi thái nhỏ mười mấy cân thịt lợn để xay. Sau đó thì cắt nhỏ mỡ như hạt lựu, rồi mang mỡ đó đi phơi ngoài trời hoặc trong lò sấy.”
Mỡ được thái nhỏ như hạt lựu |
“Nhưng công đoạn đó vẫn chưa vất vả bằng việc làm sạch ruột heo và cạo nhớt. Đó là còn chưa kể đến công đoạn nhồi nguyên liệu vào ruột heo. Vì nếu chẳng may bị bục thì lại phải làm lại từ đầu”, chị Ngọc cho biết thêm.
Vất vả là một chuyện, các khâu làm cũng phải đúng cách, nếu không lạp xưởng sẽ không chuẩn vị và nhanh hỏng. Ngay cả những thao tác như xay thịt, chị Ngọc cũng không được xay quá nát, tỏi cũng không được để sống, không được nêm nếm bằng nước mắm nếu không lạp sườn sẽ nhanh hỏng.
Và đặc biệt nhất là phải ướp với rượu áp xanh theo đúng tỷ lệ để lạp xưởng cho ra mùi thơm đặc trưng. Một số nơi có thể dùng rượu Mai Quế Lộ, nhưng món ăn truyền thống của miền Tây thì vẫn dùng rượu áp xanh.
Phơi 3 - 5 nắng mới cho ra thành phẩm |
Mỗi ngày chỉ làm khoảng 15 - 20 kg lạp xưởng, nhưng chị Ngọc cũng phải dậy từ 6 giờ sáng, làm tới khoảng 2 giờ chiều mới xong để mang lạp xưởng sấy. Nếu có nắng thì mang đi sấy 3 - 5 nắng, còn không thì phải bỏ vào lò 8 - 9 tiếng với nhiệt độ 50 - 60 độ C mới cho ra thành phẩm.
Làm vất vả nhưng lãi cũng không bằng một nửa giá bán, vì theo chị Ngọc: “Gần như tôi lấy công làm lãi, chỉ có thể cạnh tranh với các cơ sở khác bằng chất lượng. Chứ nếu cạnh tranh bằng giá thì tôi thua chắc!”
Những miếng lạp xưởng cháy vàng |
Phải cách 1 ngày thì chị Ngọc mới có hàng để cung cấp cho khách. Nhưng vào dịp gần Tết, mỗi ngày chị Ngọc đều phải là 20 - 30 kg lạp xưởng mới đủ để phục vụ khách.
(Theo Dân trí)