Cấm người Việt mua nhà, đất ở nước ngoài
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép. Tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,9 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 9,65 tỷ USD. Từ năm 2015 đến nay, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài tăng nhanh nhưng quy mô của mỗi dự án ngày càng nhỏ. Ngoài lĩnh vực thế mạnh như trồng cây công nghiệp, thăm dò khai thác dầu khí, nhà đầu tư Việt Nam chuyển sang kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, một số trường hợp cần thiết phải hạn chế để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam và tránh rủi ro về pháp lý, an ninh. Đối tượng bị hạn chế như nhà đầu tư là cán bộ, công chức, sĩ quan, người chưa thành niên, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Bộ KH&ĐT siết quy định nhằm hạn chế người Việt đầu tư mua nhà ở nước ngoài để có quốc tịch. Ảnh minh họa |
Trước thực trạng trên, Bộ KH&ĐT xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 và thay thế Nghị định 83/2015 NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài. Một trong những sửa đổi quy định quan trọng lần này là nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân mua nhà đất chỉ để nhập quốc tịch nước ngoài.
“Để hạn chế tình trạng lách luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân ở nước ngoài, Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định: Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. Quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh mà chỉ để định cư ở nước ngoài”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Theo đó, các cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài gồm: Cán bộ, công chức, viên chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức); Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp xử lý hành chính…, đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
“Việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các quy định pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề có thể tẩu tán tài sản…”, dự thảo nghị định nêu rõ.
Kiểm soát để hạn chế lách luật
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giới hạn, kiểm soát chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nhất là chuyển ngoại tệ để mua nhà đất là cần thiết. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chưa đủ lớn, chưa bền vững, vì vậy cần đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, cá nhân muốn lách luật để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không khó. Ví dụ, cá nhân nhà đầu tư thành lập công ty với số vốn rất nhỏ và ra nước ngoài mua đất. Cá nhân hay một DN tư nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài cũng như nhau, hoàn tất đầu tư, cá nhân có thể nhập quốc tịch, giải thể công ty. Như vậy, động cơ mang tiền ra nước ngoài mua quốc tịch của nhiều cá nhân vẫn đạt được.
“Khi các nước họ có chính sách thu hút đầu tư thì ta nên tính tới các giải pháp liên kết với các nước để ngăn chặn những người có hành vi đầu tư ra nước ngoài với mục đích nhập tịch để trốn tránh trách nhiệm trong nước. Hầu hết các nước mà cá nhân người Việt muốn nhập tịch như Mỹ, Canada, Úc…, Việt Nam đều có thể đàm phán để ký kết các hiệp định, đưa ra giải pháp để liên kết cùng giải quyết”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đề xuất.
Thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR), năm 2017, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, tăng 2 bậc so với năm 2016. Trong tổng số 153 tỷ USD của người nước ngoài mua nhà tại Mỹ, số tiền của người Việt Nam chiếm 2%, bằng tổng số tiền người dân Đức, Nhật Bản và Venezuela đổ vào mua nhà ở Mỹ. |
(Theo Tiền Phong)