Những ngày Tết, khi hình dung đến cảnh đi làm lại chị Trương Thanh Nhàn (38 tuổi), nhân viên tại một công ty sự kiện ở TPHCM đã thấy mất vui, ngán tận óc. Tuần đầu trở lại công sở, chị như suy kiệt mọi năng lượng.

Mỗi sáng, ra khỏi nhà, bước chân chị nặng trĩu. Trước khi đi làm, chị ôm cậu con trai hơn 4 tuổi với đồ đạc lỉnh kỉnh đưa sang gửi bà cô giữ hộ vì con vẫn chưa được đến trường. Đi trên đường, chị mệt oải nghĩ đến cảnh đến văn phòng, vừa xoay xở công việc, chốc chốc lại nhắn tin, gọi điện xem tình hình của con... 

Chán nản công sở sau Tết, chỉ thèm có tiền tỷ để bỏ việc - 1

Nhiều người suy kiệt năng lượng khi trở lại công sở sau Tết (Ảnh minh họa).

Chị chán nản công việc hiện tại từ lâu. Không bắt nhịp kịp với công việc, công nghệ, lương thấp... tất cả đều làm nữ nhân viên công sở mệt mỏi, áp lực. Cả trăm lần chị muốn nghỉ việc nhưng không đủ dũng khí để buông, cuộc sống của gia đình vẫn phụ thuộc vào đồng lương 10 triệu đồng mỗi tháng của chị. 

Than vãn với vài người bạn nhưng theo chị Nhàn, không thể nói ra hết được bế tắc, khó khăn của mình. Đã chán việc, sau Tết lại uể oải, chỉ cần một tí teo trục trặc trong công việc lúc này cũng đủ  "đánh gục" chị. Chị muốn nghỉ ngay, muốn buông bỏ hết dẫu biết trước mặt ngổn ngang vấn đề cần giải quyết. Cuộc sống thực sự nhiều áp lực. 

"Nếu có tiền tỷ trong tay, tôi nghỉ việc ngay lập tức, không lưu luyến", chị nghẹn đắng và cho biết, càng ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của việc tự chủ tài chính từ sớm. Ở tuổi này, nhiều người đã tự chủ trong công việc, tài chính, còn chị, dù chăm chỉ vẫn cứ loay hoay, quay cuồng, cậy hết vào đồng lương eo hẹp, cuộc sống chật vật. 

"Stress thật sự, stress thật sự. Tôi chỉ thèm được bỏ việc ngay" là than thở ngày đầu năm của nữ nhân viên Trần Đan Lê, làm việc tại một trường đại học ở TPHCM. 

Lê cho biết, đi làm lại mà cô mệt mỏi rã rời, không tập trung, không làm được việc gì ra hồn. Sáng không muốn lên văn phòng, chiều nhấp nhổm chỉ mong được về sớm. Làm nội dung nhưng nhiều hôm cô ngồi hàng giờ trước máy tính mà không ra được kết quả nào hoặc sản phẩm sai sót, hời hợt. 

Lê rơi vào vòng xoay "chán nản không làm được việc, không làm được việc lại càng căng thẳng". Nữ nhân viên cũng chia sẻ tình trạng của mình với đồng nghiệp, lại động viên nhau "cố lên".  

Tâm trạng sau Tết chưa tập trung vào công việc là một phần lý do nhưng Lê cũng phần nào nhận ra ngoài yếu tố khách quan thì cái chính là tình trạng chán việc trong cô đã xuất hiện từ lâu. 

Đan Lê tâm tư, cô gắn bó với công việc này đã gần 10 năm, làm việc tại trường đã bước sang năm thứ 4. Nói cô ghét công việc đang làm cũng không hẳn nhưng để thiết tha, đắm đuối cũng không có. Cô cứ tàng tàng, lê lết qua ngày, tình trạng chán việc ngày càng rõ nét, chỉ mong bản thân đủ quyết tâm, dám... bỏ việc. 

Ngán nhân sự "giậm chân tại chỗ"

Sau Tết cũng là thời điểm nhiều nhân viên công sở nghỉ việc, nhảy việc. Không ít ý kiến cho rằng nhân sự... vô ơn khi "nhận thưởng Tết xong là bùng" nhưng sâu xa hơn không ít người đi đến quyết định này vì tình trạng uể oải, mất động lực làm việc kéo dài trước đó.  

Thời điểm đầu năm, họ cân nhắc, sắp xếp lại để "giải thoát" cho mình, tìm những hướng đi mới. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện cùng dũng khí để thay đổi, bắt đầu hành trình mới 

Anh Lê Duy Trọng, quản lý nhân sự tại một tập đoàn công nghệ ở TPHCM cho biết, tình trạng nhân viên nghỉ việc hoặc tinh thần làm việc "chỉ muốn nghỉ" có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường biểu hiện rõ nhất vào dịp đầu năm.  

Mỗi nhân sự, theo anh, cần tự xem xét, đánh giá tình trạng sức khỏe trong công việc của chính mình. Biểu hiện đó là tạm thời do dư âm của Tết, tâm trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi" hay là bản thân đã thật sự chán công việc, môi trường nơi đó?

Bắt đúng bệnh thì mới tìm được thuốc, tìm ra giải pháp. Có người tìm cách cải thiện để giảm căng thẳng, nỗ lực để công việc hiệu quả hơn hoặc có người chọn cách thay đổi công việc, môi trường. 

Với anh, đáng ngại nhất là tình trạng nhân viên "giậm chân tại chỗ" phải nói rất phổ biến. Họ ngán việc tận cổ, làm việc không hiệu quả vẫn không muốn làm gì để cải thiện, không hợp tác nhưng cũng chẳng nghỉ việc. 

Khi đó, họ không chỉ giam mình trong sự căng thẳng, mệt mỏi, sự nghiệp đi lùi mà còn ảnh hưởng đến tập thể, tổ chức. 

Trước tình trạng này, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc xốc lại tinh thần làm việc cho nhân viên thông qua hỗ trợ, đào tạo, chính sách, môi trường làm việc.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia nhân sự, doanh nghiệp cần chú ý đến sức khỏe tinh thần của người lao động do tác động của dịch bệnh kéo dài. Nhiều người trải qua mất mát, tổn thương, đối mặt với áp lực về kinh tế, việc chăm sóc con cái do trường học đóng cửa, rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu... 

Sự quan tâm, chia sẻ, động viên tế nhị, kịp thời, tạo môi trường làm việc thân thiện là "liều thuốc bổ" cho nhân sự để họ vực lại tinh thần. 

Theo Dân trí

Sử dụng tiền lì xì cho con sau Tết sao cho hiệu quả?

Sử dụng tiền lì xì cho con sau Tết sao cho hiệu quả?

Thay vì tịch thu tiền lì xì của con, vừa vi phạm pháp luật, vừa khiến các con ức chế, khó chịu, cha mẹ nên có cách ứng xử thông minh hơn với tiền lì xì của trẻ.