Phạm Đức Chinh sinh ra với tất cả những gì đau đớn nhất mà một đứa trẻ phải gánh chịu: dị dạng sọ mặt, không có gò má, hở hàm ếch, không vành tai và ống tai, nhưng là con người đầy nghị lực vươn lên. |
Biết Chinh là trường hợp khá đặc biệt được nhận học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) dành cho nghiên cứu sinh cao học xuất sắc, chúng tôi gọi điện xin hẹn gặp. Nhưng trước giờ hẹn tới 3 tiếng, Chinh bất ngờ gọi lại và lịch sự xin phép được chuyển giờ hẹn lên sớm hơn, địa điểm là... tầng hầm của Bệnh viện 108.
Giữa căng tin lấp lóa bóng áo blouse trắng, Chinh khiến người gặp lần đầu ngạc nhiên vì sự lạc quan và hóm hỉnh của mình. Trước cuộc đại phẫu - như lời Chinh nói đùa là để "hóa thiên nga", chàng trai 26 tuổi vẫn không ngừng nói về dự án nghiên cứu mà Chinh đang dồn tâm huyết, về ước mơ được hòa mình vào cộng đồng nghiên cứu thế giới.
Từ cậu bé bị trêu chọc tới top "khủng" nhất trường Bách Khoa
Phạm Đức Chinh sinh ra với tất cả những gì đau đớn nhất mà một đứa trẻ phải gánh chịu: dị dạng sọ mặt, không có gò má, hở hàm ếch, không vành tai và ống tai.
Gạt nước mắt, cả nhà Chinh gom hết tiền của, khăn gói từ Thái Bình lên Hà Nội, gõ cửa tất cả những bệnh viện lớn nhất thủ đô mới biết cậu bé bị mắc hội chứng Treacher Collins. Hơn 2 tuổi, đứa nhỏ gầy gò đã phải trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên trong đời chữa hở hàm ếch. Đó cũng là tất cả những gì người ta có thể làm cho chú bé. Việc phẫu thuật mở thêm ống tai cho Chinh quá nguy hiểm, không ai dám liều lĩnh.
Vì cấu tạo tai không giống người thường, 3 tuổi, cậu bé Chinh mới có những phản xạ đầu tiên với âm thanh. Phải vài tháng sau, Chinh mới bật thốt tiếng gọi "bà" đầu đời. Phía ngoài cửa, những đứa trẻ cùng lứa với Chinh khi ấy đã chạy huỳnh huỵch, nói líu lo khắp xóm.
7 tuổi, cậu bé Chinh dồn hết can đảm thỏ thẻ với bố mẹ muốn đến trường. Trong suy nghĩ con trẻ, ham học là điều không tồn tại. Chinh bảo, khi ấy, chuyện duy nhất cậu nghĩ là muốn được bao đứa trẻ khác, sáng sáng í ới gọi nhau cắp cặp đến trường.
Ngôi trường nhỏ xã Đông Vinh, Thái Bình từ ấy có thêm câu học trò đặc biệt: tai nghe không rõ và giọng nói bị méo tiếng. Trong những ngày đầu tới lớp, cô giáo thường phải ra tận bàn đọc to từng chữ cho Chinh. Điều kỳ diệu là sau 2 tuần đầu đến trường, Chinh được cô phê: Có khả năng học được, tiếp thu bài rất nhanh. Tới lúc đó, cả nhà mới thở phào về cậu con trai nhỏ.
Chinh vẫn nhớ, vì khuôn mặt không giống mọi người, những đứa trẻ trong làng thỉnh thoảng vẫn trêu chọc Chinh. Càng lớn, những lời trêu đùa càng xuất hiện nhiều. Hỏi Chinh những lúc ấy có buồn không, ngạc nhiên là Chinh lắc đầu. Điều duy nhất khiến Chinh buồn là có những việc vì hạn chế sức khỏe mà Chinh không thể làm tốt.
Trong những năm tháng ở trường, có 2 môn học luôn làm khó Chinh là Tiếng Anh và Thể dục. Thể chất Chinh vốn yếu, hô hấp khó khăn, ngồi học khoảng 2 tiếng đồng hồ như mọi người là mệt, hoạt động mạnh càng không thể. Còn với Tiếng Anh, Chinh phát âm bình thường còn khó, huống chi tiếng nước ngoài.
Đổi lại, những môn học khác, cậu học trò luôn đạt điểm giỏi, thậm chí xuất sắc. Chinh từng đoạt giải 3 môn Hóa học cấp tỉnh và sau đó thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm cao chót vót 25,5 điểm. Năm 2017, anh tốt nghiệp loại giỏi, nằm trong top 20 của trường.
Người đồng hành trên hành trình khoa học
Ước mơ của Chinh là được làm giáo viên. Thế nhưng, điều quan trọng nhất với người đứng bục giảng là khả năng nghe, nói phải tốt. Những thứ ấy, Chinh chỉ bằng một nửa người thường.
Cũng chính vì thế, ra trường năm 2017, Chinh chọn về Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở đây, anh có cơ hội để hướng dẫn các bạn sinh viên làm các thí nghiệm khoa học. Chừng ấy an ủi phần nào ước mơ chưa tròn của Chinh.
Ngoài hướng dẫn các bạn sinh viên, bản thân Chinh đang ấp ủ đề tài về "tích hợp công nghệ màng và xúc tác quang để xử lý nước thải". Điều thôi thúc Chinh là dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh tại Việt Nam đang dần tích tụ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Việc xử lý là vô cùng cần thiết nhưng các phương pháp hiện tại chưa xử lý được triệt để các hợp chất hữu cơ.
Tưởng chừng ý tưởng đã bị gác lại bởi khó khăn về tài chính, thiết bị nghiên cứu thì Chinh biết tới Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF). Vượt qua nhiều ứng viên, chàng trai 26 tuổi nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ từ Quỹ trong chương trình hỗ trợ tài chính cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc.
Điều khiến Chinh ngạc nhiên nhất là thời gian từ lúc nộp hồ sơ cho đến khi xét duyệt và giải ngân chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng, điều mà khi Chinh kể ai cũng thấy bất ngờ.
Chương trình của VINIF gây xúc động mạnh với Chinh vì được thiết kế hoàn toàn ưu tiên cho tính học thuật, nghiên cứu. Với anh, đó là điều vô cùng ý nghĩa. Rất nhiều học bổng, tài trợ dành ưu tiên cho cho những ứng viên tham gia hoạt động xã hội. Trong khi ấy, với Chinh, anh lắc đầu vì: "Xin đi tình nguyện ở đâu cũng bị loại từ vòng gửi xe".
"Nhờ có VINIF, những người như tôi mới có cơ hội để tiếp tục đam mê nghiên cứu của mình. Một điểm đặc biệt là với VINIF, chúng tôi được thoải mái về tâm lý. Một số nơi tài trợ thường sẽ ràng buộc, yêu cầu người nhận học bổng phải làm việc cho đơn vị đó trong 1-2 năm. VINIF không như vậy. Đó là cách làm có tính nhân văn sâu sắc cùng tính lan tỏa cộng đồng", Chinh nói.
"VINIF đã trao cơ hội cho tôi với tất cả niềm tin để tôi bước tiếp trên con đường nghiên cứu. Niềm tin ấy giúp tôi có thêm động lực để hoàn thành thật tốt dự án của mình”, Chinh nói. |
Điều Chinh tự hào nhắc đi nhắc lại là công nghệ xử lý nước thải giống anh cũng đang được nhiều trường đại học lớn của Đức, Italy, Áo nghiên cứu. Chinh mê cảm giác được hòa mình với cộng đồng khoa học thế giới để có những sản phẩm phục vụ chính đời sống con người.
"VINIF đã trao cơ hội cho tôi với tất cả niềm tin để tôi bước tiếp trên con đường nghiên cứu. Niềm tin ấy giúp tôi có thêm động lực để hoàn thành thật tốt dự án của mình”, Chinh nói.
Vội vã rời đi xét nghiệm để chuẩn bị cho ca “đại phẫu” vài ngày tới, Chinh hẹn, lần tới khi xuất hiện, Chinh đã là "thiên nga". Chinh quả quyết, có 2 thứ anh sẽ đi tới cùng là nghiên cứu khoa học và cuộc chiến tìm lại ngoại hình bản thân.
Chinh không thích ai gọi mình là “chàng trai không may mắn”. Chinh nói, anh rất tâm đắc với câu nói của nghệ sĩ nhân dân Trần Hạnh: "Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn và học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau".
Sáng nay, Chinh khiến chúng tôi xúc động vì dòng tin nhắn vội: "Em sống sót rồi, hóa thiên nga rồi!".
Chinh vẫn hóm hỉnh như thế dù biết hành trình của mình còn rất dài, dù đó là con đường đi tìm lại khuôn mặt, đôi tai hay hành trình bất tận của một nhà khoa học. Trên hành trình ấy, Chinh có thừa niềm tin và không bao giờ thiếu những người bạn đồng hành.