Nguyễn Duy Cường, (SN 1989), trú tại thôn 3, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn - một trong những địa phương nghèo của tỉnh Thanh Hóa.
Từ nhỏ, anh nhận thức được chỉ có việc học mới thay đổi cuộc đời, anh xin cha mẹ đến trường. Cha tôi lắc đầu: ‘gia đình mình nghèo quá?’ nhưng lúc ấy vì tôi quá khao khát nên bố mẹ đã cố gắng để tôi được đi học anh kể.
“Tiếc rằng học hết cấp 3, tôi phải nghỉ vì gia đình không thể gắng gượng được nữa”, anh nói. Nghỉ học anh Cường bắt đầu đi làm thuê ở khắp nhiều nơi để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Năm 2011, sau khi được bạn bè động viên và tư vấn về nhiều mô hình phát triển kinh tế, anh quyết định về quê lập nghiệp bằng mô hình sản xuất, kinh doanh đá mĩ nghệ.
‘Việc người nông dân ở vùng nông thôn có thể làm giàu trên chính mảnh đất nghèo này không hề dễ dàng. Bởi vậy, tôi cũng suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, với sự qyết tâm cao nhất, tôi muốn cuộc sống của gia đình mình phải được thay đổi. Mọi người ở đây cũng vì thế mà có công ăn việc làm, có điều kiện để sống khá giả hơn”, anh nói.
Anh Cường quyết định vay vốn từ người thân để xây dựng 1 xưởng sản xuất bàn, ghế xi măng, đá mỹ nghệ. |
Với suy nghĩ đó, anh Cường quyết định vay vốn ngân hàng, bắt đầu tiến hành xây nhà xưởng và nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Với những kiến thức đã được học và tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, anh lên ý tưởng và cho ra đời những sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại.
Khi xưởng sản xuất mới đi vào hoạt động, anh gặp khá nhiều khó khăn. “Do tôi còn thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn để mở rộng sản xuất nên sản phẩn chưa đa dạng. Nhưng có điều may mắn là nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất, các sản phẩm sau khi hoàn thành cũng đã bán được trên thị trường trong và ngoài tỉnh”, anh tâm sự.
Đến năm 2013, sau khi ổn định sản xuất, anh Cường quyết định vay vốn từ người thân để xây dựng 1 xưởng sản xuất bàn, ghế xi măng, đá mỹ nghệ.
Năm 2018, anh tiếp tục mở rộng sản xuất, xây dựng thêm 2 xưởng sản xuất để buôn bán các loại sản phẩm như bàn, ghế đá, bia đá, vật liệu đá xây lăng mộ.
Đến nay, cơ sở kinh doanh của anh đã được mở rộng lên 2.000 m2, trong đó gồm các xưởng đá, xưởng làm bàn ghế từ đá, xi măng... Mỗi năm, cơ sở này cũng thu về 1,8 tỉ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động là người địa phương với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài là chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, anh Cường còn là một đoàn viên thanh niên gương mẫu.
Anh cũng luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như ủng hộ 10 suất quà cho người nghèo trị giá 2 triệu đồng và ủng hộ chương trình thanh thiếu nhi của xã 3-5 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, bản thân anh Cường và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương. Trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, anh luôn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đặc biệt luôn tiên phong đi đầu trong thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp, cống hiến sức mình cho quê hương.
Bí Thư đoàn xã Dân Quyền - Lê Xuân Thành,cho biết, thời gian qua, thực hiện phong trào khởi nghiệp do Huyện đoàn Triệu Sơn phát động, trên địa bàn xã đã xuất hiện 10 tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Những tấm gương này đã dùng ý chí, nghị lực để vươn lên làm giàu, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trong đó, điển hình là anh Nguyễn Duy Cường, với những thành tích nổi bật đạt được, anh đã được Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Triệu Sơn tặng bằng khen về thành tích hoạt động Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi giai đoạn 2014-2019.
Thành Huế
Ảnh: Thu Hằng HP