Chiếc áo kỳ lạ may mất nửa năm, bán giá 25 triệu đồng
Là người thích làm các sản phẩm độc đáo, ít có trên thị trường, anh Huỳnh Văn Long (Nha Trang, Khánh Hòa) đã nghiên cứu và làm ra sản phẩm áo và găng tay từ chất liệu titan. Theo Arttimes, titan được xem là kim loại có độ bề cao, khả năng chịu nhiệt cao, chống ăn mòn và ít tan trong axit.
Từ năm ngoái đến nay, anh Long hoàn thiện xong 2 chiếc áo và một đôi găng tay. Găng tay anh bán 4,2 triệu đồng/đôi, áo lửng tay thì 15 triệu đồng/chiếc, còn áo dài tay có kèm mũ sẽ bán giá 25 triệu đồng/chiếc. Anh Long cho biết chất liệu áo hoàn toàn làm bằng titan nên đắt. Để hoàn thiện 1 chiếc áo như vậy, anh mất 6 tháng. Phải người đàn ông to khoẻ mới may được chiếc áo kỳ lạ này. Hiện anh Long chưa có ý định làm thêm sản phẩm nào nữa.
Loại giấy hiếm có làm từ phân voi ở Thảo Cầm Viên
Voi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn chỉ ăn mía, cà rốt và cỏ. Hơn nữa, phân voi ít nặng mùi hơn so với phân của các loài động vật khác. Tỷ lệ chất xơ trong phân đảm bảo nghiền thành bột, tạo giấy thành phẩm.
Từ những quan sát và tính toán trên, tháng 2/2022, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phối hợp với một số thành viên của Đại học Công nghiệp TP.HCM bắt đầu thử nghiệm, sản xuất giấy làm từ phân voi. Tháng 4/2022, sản phẩm thành công và đến nay chất lượng giấy thành phẩm đang được cải thiện. Đây là giấy thủ công, hoàn toàn không dùng hóa chất công nghiệp tẩy trắng nên có màu nâu nhạt. Trung bình cứ 1kg chất thải, thu được 400g bột khô vào tạo được khoảng 30 tờ giấy kích thước A4.
Nghề độc" của chàng trai Cà Mau: làm trang sức từ... xương rắn
Anh Trịnh Quang Nhã (21 tuổi, ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có công việc khá độc đáo là làm trang sức từ xương rắn. Anh Nhã chia sẻ trên Dân Trí, ngoài các bộ tiêu bản nguyên xương con rắn, anh còn làm trang sức như vòng tay, nhẫn từ xương rắn. Để làm trang sức, Nhã phải xử lý một số công đoạn khá công phu, làm ra một chiếc nhẫn từ xương rắn phải mất tối thiểu 2-3 ngày, có khi cả tuần.
Những bộ tiêu bản này được anh Nhã bán cho các quán cà phê, cơ sở trang trí với giá từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/bộ. Còn những món trang sức từ xương rắn được anh bán với giá từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Nói về công việc độc, lạ của mình, anh Nhã cho biết, những sản phẩm làm từ xương rắn có một sức hấp dẫn kỳ lạ và anh muốn góp phần lưu giữ vẻ đẹp độc đáo của loài rắn.
Thầy giáo "hô biến" đá cuội thành bức tranh độc đáo, giá tiền triệu
Từ những viên đá cuội thô ráp, thầy giáo Dương Đức Hòa (38 tuổi, trường phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã thổi hồn để tạo nên những bức tranh đá đặc sắc, vừa sống động lại rất tinh tế.
Anh Hòa cho hay trên Dân Trí, hơn 10 năm trước, trong một lần về quê, anh cùng đám bạn ra suối chơi thì thấy những viên đá đẹp mắt. Anh mang về, bắt tay vẽ hình ảnh các con vật lên trên đó. Sau đó, anh đem tác phẩm đầu tay cho người thân, bạn bè xem và nhận được lời khen đẹp, độc đáo. Thành công từ những viên đá nhỏ, anh Hòa tiếp tục vẽ lên hòn đá có bề mặt lớn hơn. Tùy vào kích thước và độ khó của hình vẽ mà mỗi sản phẩm sẽ có giá dao động từ 800.000 đồng đến 1,4 triệu đồng.
Bắt được cá đuối 'khủng' nặng 80kg, dài 2m trên biển Cù Lao Chàm
Lãnh đạo UBND xã đảo Tân Hiệp (TP. Hội An, Quảng Nam) cho biết trên Báo Tiền Phong, ngư dân Phạm Văn Trọng (49 tuổi, ở thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp) vừa bắt được một con cá đuối khủng nặng 80 kg, dài 2m. Anh Trọng đã xẻ thịt con cá mang ra TP. Đà Nẵng bán. Do không phải cá đuối vàng nên giá bán chỉ 20.000 đồng/kg.
Theo người dân địa phương, đây là con cá đuối có kích cỡ lớn nhất từ trước tới nay mà ngư dân bắt được trên vùng biển Cù Lao Chàm.
Đặc sản "lạ" chỉ có ở Huế, khách muốn ăn phải tự mua nguyên liệu
Ở vùng đất cố đô, ngoài bún bò Huế, nem lụi, bún thịt nướng, các loại chè... còn có một đặc sản dân dã, làm nên tên tuổi cho cả một ngôi làng. Đó chính là món bánh khoái cá kình của làng Chuồn.
Tên gọi của loại bánh này được cho là xuất phát từ cách chế biến độc đáo. Người Huế thường làm bánh khoái bằng cách "đổ bánh" trong các chảo nhỏ trên bếp củi hay bếp than. Trong quá trình chế biến, dầu ăn thường bắn ra ngoài, rơi vào than, củi làm sinh ra nhiều khói. Bánh được làm chín trên bếp khói, ám mùi khói nên gọi là bánh khói. Do cách phát âm của người địa phương mà bánh khói được đọc chệch thành bánh khoái.
Đặc biệt, để thưởng thức món ăn này, thay vì được phục vụ đầy đủ tại chỗ, thực khách phải tự mua cá, sau đó mang đến khu chợ truyền thống rồi nhờ người dân tráng bánh hộ với tiền công từ 2.000-3.000 đồng/con.
Những chuyện "độc nhất vô nhị" ở phiên chợ trâu bò
Chợ Nhe (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) là điểm giao thương trâu, bò lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Theo Dân Trí, điểm đặc biệt là phiên chợ này chỉ họp vào các ngày chẵn là mùng 2, 12, 22 và những ngày lẻ mùng 7, 17, 27 Âm lịch trong tháng. Mỗi phiên chợ kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 10h là tan.
Việc mua bán diễn ra đơn giản, song cũng rất độc lạ. Giá cả sẽ được hai bên thỏa thuận với nhau bằng thứ tiếng lóng như "mật ngữ" nhằm giữ kín với nhau. Việc mua bán lại diễn ra nhanh, không thách giá cao. Với nhiều người, đến chợ Nhe không chỉ buôn bán trâu, bò mà còn để tham khảo giá cả thị trường, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, vỗ béo con vật hay chọn giống. Cũng có người đi chợ là một thói quen, thú vui.
Món bún 'lạ mắt, lạ miệng' gây sốt khách Hà thành
Món bún có 'màu lạ' tại một quán ăn trên đường Chùa Láng, Hà Nội đang thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của nhiều thực khách. Đây vốn là món bún đỏ nổi tiếng tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Sợi bún đỏ có hình thức giống với sợi bánh canh miền Nam, miền Trung, mang màu đỏ cam tạo nên từ dầu điều. Mỗi bát bún đỏ có nhiều loại nhân khác nhau như riêu tôm, thịt luộc, chả giò, giò tai, trứng cút ăn kèm với các loại rau. Điểm nhấn của nước dùng là loại nước mắm tạo vị đặc trưng được nhập từ Buôn Ma Thuột. Mỗi bát bún có giá 35.000-50.000 đồng. Theo chủ quán, hương vị món ăn đã được thay đổi để phù hợp với khẩu vị người miền Bắc.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)