- ĐB Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk, không dùng hết 7 phút phát biểu, chỉ nói một vấn đề duy nhất.
Tại phiên thảo luận về chương trình làm luật của QH sáng nay, ông Nguyễn Duy Hữu phát biểu: Thực tiễn dưới cơ sở ở Tây Nguyên cho thấy nếu không làm nhanh, chúng ta sẽ không còn Tây Nguyên nữa.
"Rừng ở Tây Nguyên có thể nói đã đến đoạn cuối cùng của đoạn cạn kiệt rồi", ĐB Đắk Lắk nêu.
Ông miêu tả: Do phá rừng để lấy gỗ, lấy đất để sản xuất và để làm thủy điện, dẫn đến tình trạng "voi rừng đánh chết voi nhà".
"Còn một mảnh rừng cuối cùng là Vườn quốc gia Yoóc Đôn thì người ta cũng lăm le làm nốt thủy điện ở ngay lõi của nó", ĐB Đắk Lắk phản ánh.
Tình trạng nghiêm trọng được ông Nguyễn Duy Hữu dẫn chứng bằng việc: Tỉnh phải đi xin nước của nhà máy thủy điện mới tổ chức được lễ hội đua voi trên sông Sêrêpôk.
"Để cứu lấy mảnh rừng cuối cùng của Tây Nguyên, để giữ lại những giá trị của Tây Nguyên hùng vĩ, tôi đề nghị xem lại dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của năm 2017.
Năm 2016 sợ không kịp nữa, tôi nói điều này không biết Bộ NN&PTNT có ủng hộ không, nhưng đề nghị chuyển dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng lên để cho ý kiến và thông qua trong năm 2017. Hy vọng rằng, với việc này, tuy chậm, nhưng chúng ta sẽ góp phần cứu lấy những cánh rừng Tây Nguyên", ĐB Nguyễn Duy Hữu nói.
Đây là ý kiến duy nhất liên quan đến dự án luật này tại phiên thảo luận hôm nay.
Cuối tháng 6 vừa rồi, tại hội nghị tìm các biện pháp khôi phục rừng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng trước tình trạng phá rừng để khai thác gỗ và chuyển đổi mục đích sử dụng như ông Hữu miêu tả ở trên.
Chỉ cách đây ít ngày, một đường dây phá rừng pơ mu ở khu vực cửa khẩu Nam Giang, Quảng Nam đã bị phát giác và hiện đang được điều tra làm rõ.
Chung Hoàng